TP HCM sẽ làm 355 km metro trong 10 năm tới

Mục tiêu đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành thêm 355 km đường sắt đô thị, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40-50% nhu cầu đi lại của người dân.

Thông tin nêu trong tờ trình Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, nhằm thực hiện theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, được UBND TP HCM gửi HĐND thành phố trong phiên họp chiều 10/12. So với nghiên cứu lúc trước, đề án hiện được cập nhật lại với mục tiêu lớn hơn, là rút ngắn thời gian đầu tư hệ thống metro trên địa bàn.

Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến số 7) với tổng chiều dài khoảng 355 km. Giai đoạn 10 năm sau đó, mạng lưới này sẽ được đầu tư thêm 155 km, nâng tổng chiều dài metro lên 510 km. Với mục tiêu này, trong 20 năm tới, mạng lưới đường sắt đô thị của TP HCM sẽ tăng gấp 25 lần chiều dài Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 10 năm khởi công.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm thay mặt UBND TP HCM báo cáo HĐND thành phố về tờ trình đề án, chiều 10/12. (Ảnh: Lê Tuyết).

Các tuyến metro sắp tới được định hướng tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù, đẩy nhanh thi công và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị. Tổng nhu cầu vốn cho từng giai đoạn trên lần lượt khoảng 40 tỷ USD và gần 27 tỷ USD.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong đề án kiến nghị 43 cơ chế đặc biệt, thuộc 6 nhóm chính theo hướng để TP HCM chủ động hơn để triển khai các dự án. Các nhóm cơ chế chính bao gồm: quy hoạch; chính sách huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền triển khai; giải phóng mặt bằng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; quản lý, khai thác...

Với phương án nguồn vốn, đề án xác định đầu tư công là chủ đạo với kế hoạch dự kiến huy động từ nhiều nguồn, như tăng thu ngân sách Trung ương, thành phố được giữ lại; phát triển TOD; phát hành trái phiếu địa phương... Trong quá trình triển khai, thành phố tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án metro.

TP HCM trước đó được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray), tổng chiều dài khoảng 220 km. Metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km sau 12 năm khởi công, cuối năm nay mới dự kiến đưa vào khai thác. Trong khi Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương, dài hơn 11 km, cũng mới trong giai đoạn chuẩn bị khởi công sau 14 năm được phê duyệt. Những tuyến còn lại đều chưa được đầu tư.

Tàu Metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết tại depot Long Bình, TP Thủ Đức. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Theo kết luận 49 của Bộ Chính trị, năm 2035 TP HCM phải cơ bản hoàn thành mạng lưới metro như quy hoạch. Trên cơ sở này, thành phố xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị với mục tiêu ban đầu là đến năm 2035 sẽ hoàn thành 183 km metro như quy hoạch (bao gồm phần nối dài Metro số 1 lên 41 km và các tuyến số 2, 3, 4, 5, 6). Đồng thời, dựa trên định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM, mạng lưới metro tại thành phố cũng được nghiên cứu mở rộng lên với chiều dài 510 km vào năm 2060.

Sau khi tiếp thu quan điểm chỉ đạo từ Thường trực Chính phủ và các bộ ngành, đề án sau đó được cập nhật lại với việc tăng chiều dài đầu tư metro lên 355 km vào năm 2035, thay vì chỉ 183 km.

chọn
Bóng ông lớn ngành hàng không phía sau khu đô thị 3.200 tỷ sắp đầu tư ở Tây Ninh
Dự kiến vào quý III/2025, AHA Việt Nam sẽ bắt đầu xây dựng Khu đô thị mới tại phường Ninh Thạnh tại TP Tây Ninh. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này có những mối liên hệ với một số ông lớn ngành hàng không như Vietnam Airlines hay ALS.