TP HCM ưu tiên triển khai 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù

Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đề xuất rút gọn 5 dự án cấp bách cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 – 2030, với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng.

Một góc TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Chiều 9/8, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) đã báo cáo chuyên đề cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh.

Theo đó, qua rà soát danh mục, chấm điểm về các tuyến đường trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh phù hợp triển khai theo hình thức BOT trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98/2023/QH15, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đề xuất rút gọn 5 dự án cấp bách cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 – 2030, với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng.

Đó là các dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6 km; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến tỉnh Long An) dài 9,6 km; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1 km; dự án mở rộng trục đường Bắc – Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km và dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km.

Việc lựa chọn các dự án cấp bách dựa trên 4 tiêu chí chấm điểm gồm: Phù hợp quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ; phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng; có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư khối tư nhân vào dự án BOT.

Dựa trên các tiêu chí này, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) và Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) được chấm điểm cao nhất với 90/100 điểm. Ba dự án còn lại là mở rộng Quốc lộ 13, mở rộng trục đường Bắc Nam, cầu đường Bình Tiên được chấm thang điểm từ từ 80 đến 85 điểm.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, dự án BOT không mới đối với Tp. Hồ Chí Minh vì trước đây một số dự án đã triển khai rất hiệu quả như Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 (đoạn An Sương – An Lạc). Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép HĐND thành phố ban hành danh mục các dự án thực hiện theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu là rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách thành phố còn hạn chế.

Ông Trần Quang Lâm chia sẻ, Tp. Hồ Chí Minh có những công trình rất cần nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa. Đơn cử như các tuyến quốc lộ và các trục chính cần đầu tư để giải quyết nhu cầu giao thông, giải quyết ùn tắc. Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị tư vấn sẽ lập danh sách đợt 1 gửi UBND thành phố để trình HĐND thành phố thông qua trong tháng 9/2023. Sau đó, dựa trên các tiêu chí nghiên cứu, ngành giao thông sẽ tiếp tục bổ sung các dự án khác.

Tại buổi báo cáo, các chuyên gia, nhà đầu tư và các địa phương liên quan cũng đóng góp nhiều ý kiến trong lựa chọn các dự án như: Tiêu chí hoàn vốn; ưu tiên dự án mà người dân có sự lựa chọn có thể sử dụng hoặc không; nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng "dời điểm kẹt xe này qua điểm kẹt xe khác". Cùng với đó, các đơn vị cần đánh giá tính khả thi trong kêu gọi nhà đầu tư và công bố bộ tiêu chí để doanh nghiệp nắm bắt…

chọn
Bức tranh công nghiệp Nghệ An sau 10 năm: Từ 'vùng trũng' chuyển mình thành ngôi sao FDI của miền Trung
Từng là vùng trũng trên bản đồ công nghiệp, những năm qua Nghệ An liên tục phá kỷ lục hút vốn ngoại và tiến vào top 10 cả nước. Trong chu kỳ mới của bất động sản, tỉnh này được dự báo là ngôi sao mới dẫn dắt thị trường công nghiệp miền Trung với cuộc chơi dành cho những nhà phát triển chuyên nghiệp như VSIP, WHA Industrial và Hoàng Thịnh Đạt.