7 dự án giao thông lớn ở TP HCM dự kiến hoàn thành trong hai năm tới

Loạt dự án được TP HCM dự kiến hoàn thành đến năm 2025 gồm metro số 1; hai nút giao An Phú, Mỹ Thủy; các dự án giảm kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50...

Ngày 8/8, UBND TP HCM đã bàn hành Kế hoạch triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong đó, thành phố đặt mục tiêu loạt dự án hạ tầng giao thông dự kiến sẽ được hoàn thành trong dịp này.

Đầu tiên là tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, Bến Thành - Suối Tiên, metro Bến Thành – Suối Tiên dài khoảng 19,7 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tuyến này có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu chở tối đa 930 khách; trong đó, có 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng.

 Một đoạn metro Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Hải Quân).

Dự án có tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công xây dựng vào năm 2012. Đơn vị chủ trì thực hiện là Ban Quản lý Đường sắt Đô thị.

Để chuẩn bị cho công tác khai thác, vận hành, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty HURC1 đang phối hợp triển khai thực hiện các công việc liên quan đến hoàn thiện đề án thí điểm khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; hoàn chỉnh phương án giá vé trong giai đoạn đầu khai thác.

Tiếp theo là hai nút giao gồm nút giao thông An Phú và nút giao thông Mỹ Thủy. Đơn vị chủ trì thực hiện hai dự án này là là Bản Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông. Trong đó, nút giao thông An Phú  nằm tại phường An Phú, TP Thủ Đức.

Dự án này được Ban Quản lý DAĐTXD các CTGT TP HCM khởi công 4 gói thầu đầu tiên vào ngày 29/12/2022. Đây là dự án tháo gỡ điểm nghẽn về ùn tắc giao thông ở khu vực phía đông TP HCM, được phê duyệt ngày 28/3/2022 với tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng.

 Khu vực xây dựng dự án nút giao thông An Phú. (Ảnh: Hải Quân).

 Dự án sẽ xây dựng hầm chui (2 chiều) kết nối đường dẫn cao tốc với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Sẽ có hai cầu vượt được đầu tư; trong đó 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc; 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc vào đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội). 

Nút giao thông Mỹ Thủy nằm tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Đây là dự án nút giao nằm giữa ba con đường gồm đường Đồng Văn Cống; đường Võ Chí Công và đường Nguyễn Thị Định.

Dự án này được Sở GTVT TP HCM phê duyệt vào năm 2015. Giai đoạn 1 dự án đầu tư nút giao thông Mỹ Thủy theo dạng nút giao khác mức với tổng mức đầu tư 837 tỷ đồng, khởi công vào tháng 6/2016.

 Nút giao thông Mỹ Thủy hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Giai đoạn 2 khởi công vào tháng 2/2020. Hiện công trình đã hoàn thành, đưa vào nghiệm thu và khai thác một số hạng mục của giai đoạn 1 gồm cầu Kỳ Hà 3, nhánh cầu vượt trên đường vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi Cát Lái và giai đoạn 2 là cầu Mỹ Thủy 3.

Hồi tháng 7/2022, HĐND TP HCM cũng đã phê duyệt tăng mức vốn dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng.

Thành phố cũng phê duyệt điều chỉnh quy mô đầu tư dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, tách dự án thành 2 thành phần gồm xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh do và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, dự án được gia hạn thời gian thực hiện từ 2016 - 2021 thành 2015 - 2025; điều chỉnh nhóm dự án từ nhóm B sang nhóm A. 

Các dự án giảm kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị chủ trì là Ban Quản lý DAĐTXD các CTGT TP HCM, bao gồm xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.

 Phối cảnh đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam).

Dự án cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn đường vuốt nối từ đường Phổ Quang hiện hữu), quận Phú Nhuận; dự án cải tạo đường Trần Quốc Hoàn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận tân Bình.

Trong các dự án này, dự án lớn nhất là đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, dự án này chiều dài tuyến khoảng 4 km, điểm đầu tuyến giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tuyến giao đường C12 – Cộng Hòa – Trường Chinh.

Vận tốc thiết kế là 50 km/ giờ. Quy mô mặt cắt ngang tuyến chính đáp ứng 6 làn xe. Xây dựng cầu cạn dọc trên tuyến dài khoảng 987m, đáp ứng 4 làn xe, chiều rộng từ 17 - 21 m.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.848 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 2.412 tỷ đồng, chi phí xây dựng sau thuế khoảng 1.494 tỷ đồng, số còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng...

Dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 được khởi công vào ngày 27/12/2022, Đơn vị chủ trì là  Ban Quản lý DAĐTXD các CTGT TP HCM, với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng.

 TP HCM dự kiến hoàn thành dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 vào dịp 30/4/2025. (Ảnh: Hải Quân).

Dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp tỉnh Long An với tổng chiều dài toàn tuyến 6,9 km, mặt cắt ngang 34 m (tương đương 6 làn xe) cùng hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hào kỹ thuật theo quy định.

Trên tuyến sẽ có một nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu Bà Lớn xây mới dài 40 m, rộng 34 m cùng cầu Ông Thìn với 1 đơn nguyên xây mới và 1 đơn nguyên cải tạo cầu hiện hữu với tổng mặt cắt ngang 6 làn xe. 

Một dự án khác là dự án khép kín vành đai 2. Đơn vị chủ trì dự án này là Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dự án sẽ đầu tư xây dựng đoạn tuyến từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1, TP Thủ Đức; dự án vành đai 2 - đoạn 1 (đoạn từ cầu Phú Hữu - Xa lộ Hà Nội).

Đoạn khép kín vành đai 2 giao với Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Hải Quân).

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là Xa lộ Hà Nội) dài khoảng 3,6 km.

Dự kiến tổng mức đầu tư 9.852 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 1.990 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật là 7.197 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác.

Đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa trên địa bàn thành phố Thủ Đức dài 2,7 km (tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng), dù được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) nhưng đã ngừng thi công nhiều năm nay do vướng mắc mặt bằng và các thủ tục khác.

Một dự án khác nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây là đường vành đai 3 TP HCM,  có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

 Một đoạn vành đai 3 sẽ mở qua TP Thủ Đức. (Ảnh: Hải Quân).

Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, đường vành đai 3 TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.

Cuối cùng là dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, hồi tháng 2, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị TP HCM đã khởi công dự án này.

 Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. (Ảnh: Hải Quân).

Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng).

 Dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên với chiều dài gần 32 km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63 km.

Cùng với đó là xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài hơn 63 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền.

chọn
Khang Điền có thể vượt mục tiêu lãi năm nhờ The Privia
SSI ước tính, trong quý IV Khang Điền sẽ bàn giao tất cả 1.043 căn hộ dự án The Privia và ghi nhận trước doanh thu từ 800 căn. Nhờ đó, lãi ròng năm 2024 của Khang Điền có thể đạt 971 tỷ đồng và vượt mục tiêu đề ra.