Triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với vốn đầu tư hơn 60.000 tỉ đồng

Có ba phương án để triển khai thực hiện tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với tổng số vốn đầu tư từ 48.000 - 60.000 tỉ đồng.

Ngày 21/9, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp với các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương có liên quan về công tác triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chia làm hai thành phần gồm: dự án đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu và dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, dự án đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo qui định của pháp luật về đầu tư hợp tác công tư

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, đề xuất 3 phương án tuyến, với chiều dài tuyến từ 124,18 đến 141km.

Phương án 1, với điểm đầu dự án tại điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với chiều dài toàn tuyến khoảng 141km, trong đó có đoạn trùng với Quản lộ - Phụng Hiệp, tổng mức đầu tư hơn 43.600 tỉ đồng và cần giải phóng mặt bằng khoảng 750ha.

Phương án 2, có tổng chiều dài tuyến gần 138km, tổng mức đầu tư hơn 60.680 tỉ đồng và cần giải phóng mặt bằng gần 900ha.

Hướng tuyến của phương án 2 có đoạn từ điểm đầu tuyến đến địa phận TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang giống hướng tuyến của phương án tuyến 1, sau đó tuyến rẽ phải đi song song về phía bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, đi thẳng qua địa phận 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối dự án tại nút giao với tuyến tránh quốc lộ (QL) 1 qua TP Cà Mau.

Phương án 3, với tổng chiều dài 124,18km, tổng mức đầu tư 56.790 tỉ đồng và cần giải phóng mặt bằng gần 800ha.

Hướng tuyến của phương án 3 có đoạn đầu tuyến giống hướng tuyến của phương án tuyến 1, đến vị trí giao với tuyến đường nối QL91 - Nam Sông Hậu, tuyến đi theo hướng Đông Nam, cắt qua tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đi song song về bên trái tuyến QL 61C hiện hữu (cách khoảng 10km, đến nút giao với QL61B vào TP Vị Thanh, tuyến đi thẳng qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3 TP Cà Mau.

Như vậy, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đây là tuyến trục dọc khu vực ĐBSCL, việc đầu tư tuyến này sẽ kết nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đồng thời, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm thành phố lớn như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vị Thanh, Bạc Liêu và Cà Mau. Cải thiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.