JPMorgan và Goldman Sachs đều đồng tình rằng vắc xin Covid-19 là chất xúc tác quan trọng nhất đối với chứng khoán Mỹ 2021.
"Vắc xin là bước tiến quan trọng hơn đối với nền kinh tế và thị trường so với các chính sách tiềm năng của chính quyền Biden", nhóm chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.
Nhà phân tích Lakos Bujas của JPMorgan viết: "Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong một trong những bối cảnh tốt nhất để đạt được lợi nhuận bền vững suốt nhiều năm".
"Sau khoảng thời gian đầy rủi ro kéo dài (chiến tranh thương mại toàn cầu, đại dịch Covid-19, tranh chấp bầu cử Mỹ… ), triển vọng tương lai đang trở nên khá rõ ràng với chu kỳ kinh doanh mở rộng và rủi ro giảm dần. Chúng tôi kỳ vọng kịch bản 'thị trường thăng hoa tột bậc' với đợt tăng giá tiếp diễn ra đến nửa đầu năm 2021".
JPMorgan cho rằng chỉ số S&P 500 có thể sẽ đạt 4.000 điểm "vào đầu năm 2021" trước khi tăng lên 4.400 vào cuối năm 2022. Goldman Sachs lạc quan hơn, kỳ vọng S&P 500 đạt 4.300 điểm trong năm 2021. Kết phiên 12/1, chỉ số này dừng ở khoảng 3.800 điểm.
Bank of America dự đoán 2021 sẽ là năm "chuyển đổi", hoạt động kinh tế có xu hướng chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa, từ gặp mặt trực tiếp sang môi trường ảo. Những vết thương do Covid-19 gây ra vẫn sẽ tồn tại. Các nhà phân tích dự đoán GDP Mỹ tăng trưởng 4,5% trong năm 2021.
Citi có cái nhìn tích cực hơn và dự báo GDP cả năm 2021 tăng 4,9%; thất nghiệp giảm nhờ doanh nghiệp tuyển dụng trở lại.
Vanguard giả định rằng hiệu quả kết hợp giữa vắc xin và liệu pháp điều trị Covid-19 sẽ cho phép chính phủ nới lỏng hạn chế phòng dịch và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên con đường phục hồi kinh tế vẫn sẽ gập ghềnh và có sự khác biệt lớn giữa các ngành. Xét tổng thể, Vanguard dự đoán kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5%.
Một dự đoán thú vị từ cây bút Alex Carchidi của tờ The Motley Fool là thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tách rời với nền kinh tế thực. Sau cú sụp đổ vào tháng 3, chứng khoán Mỹ có đà tăng ngoạn mục. Trong khi các công ty vừa và nhỏ và nhà hàng phải đóng cửa hàng loạt, doanh nghiệp lớn lại được hưởng trái ngọt khi giá cổ phiếu tăng vọt. Xu hướng này sẽ được củng cố trong năm 2020 vì lý do: Thị trường luôn nhìn về phía trước.
Dự đoán này có vẻ đã được chứng minh là đúng khi chứng khoán Mỹ ngày 8/1 phá đỉnh bất chấp số liệu việc làm gây thất vọng. Dù một số tín hiệu có thể tiêu cực nhưng nhìn chung nền kinh tế Mỹ vẫn có lộ trình cải thiện rõ ràng. Do vậy, dù kinh tế Mỹ có quay trở lại bình thường chậm hơn so với kỳ vọng, nhiều khả năng chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục đi lên.
Trước khi cuộc bầu cử tại Georgia diễn ra, đa số các chuyên gia khảo sát bởi Bloomberg và Yahoo Finance đều tin rằng Đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục giữ được đa số ghế tại Thượng viện hoặc giữ thế giằng co 50-50 với Đảng Dân chủ. Tuy nhiên đến ngày 6/1, Phố Wall thức tỉnh trước thực tế rằng cả hai ứng viên Đảng Cộng hòa đều bại trận.
Với việc Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1, quyền lực của cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện Quốc hội đều sẽ tập trung trong tay Đảng Dân chủ.
Trong giai đoạn tranh cử, ông Biden vạch ra kế hoạch tăng thuế suất đối với doanh nghiệp và những người giàu có. Tuy nhiên dù có được sự ủng hộ của Quốc hội, ông Biden có thể không muốn tăng thuế khi nền kinh tế vẫn còn yếu ớt. Có khả năng Đảng Dân chủ sẽ chủ trương chi tiêu thoải mái mà không tăng thuế, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ tung ra kích thích kinh tế dưới dạng những tấm séc 2.000 USD cho người dân và thậm chí là cả gói chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn. Goldman Sachs dự đoán chính phủ Mỹ sẽ chi thêm 600 tỷ USD để kích thích kinh tế bên cạnh gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD.
Năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp có thể được hưởng lợi từ việc Washington tập trung vào cơ sở hạ tầng. Ngược lại, doanh nghiệp dược phẩm và đặc biệt là các công ty công nghệ lớn có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc thắt chặt kiểm soát của chính phủ, Forbes dự đoán.
Bước sang năm 2021, chứng khoán Mỹ sẵn sàng tiếp tục gặt hái lợi ích từ hỗ trợ tiền tệ khổng lồ từ Fed cùng kích thích tài khóa từ chính phủ. Theo chuyên gia Brian Belski của BMO Capital Markets, môi trường chính sách thuận lợi này nhiều khả năng sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn ngay cả khi lo ngại về Covid-19 còn kéo dài ít nhất trong vài tháng đầu năm.
"Ngay cả với những tiến bộ về vắc xin và phương pháp điều trị gần đây, đại dịch toàn cầu và tác động của nó cũng khó có thể phai nhạt trong những tháng tới. Do vậy trong tương lai gần, Mỹ và các quốc gia trên toàn thế giới có thể sẽ duy trì phản ứng tài chính và tiền tệ khổng lồ để chống lại tác động kinh tế tiêu cực"
"Trong lịch sử, môi trường chính sách như vậy đã hỗ trợ thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên. Không có lý gì năm 2021 là ngoại lệ", ông Belski tự tin. BMO Capital Markets nhận định S&P 500 có triển vọng lên đến 4.200 điểm.
Cả ngân hàng đầu tư Oppenheimer lẫn Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức gần bằng 0.
Theo tờ Investor's Business Daily, nếu giá cổ phiếu biến động theo lợi nhuận, 2021 nhiều khả năng sẽ là một năm tốt đẹp với nhà đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp đều tỏ ra xuất sắc trong việc chèo lái qua nền kinh tế trong đại dịch, giúp giảm chi phí hoạt động.
FactSet ước tính lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ nhảy vọt 22,1% trong năm 2021, gấp đôi mức trung bình 10 năm là 10%. Đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ khi S&P 500 đi lên 39,6% trong năm 2010.
Đương nhiên, mức tăng khổng lồ trên được tính dựa trên năm 2020 đen tối, trong đó EPS ước tính của các doanh nghiệp S&P 500 giảm 13,6%. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2021 vẫn sẽ cao hơn những năm trước đại dịch. Nhà kinh tế học Ed Yardeni dự báo EPS của S&P 500 năm 2021 là 170 USD, cao hơn con số 163 USD của năm 2019.
FactSet kỳ vọng lợi nhuận của tất cả 11 ngành trong S&P sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ, dẫn đầu là nhóm công nghiệp (78%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (58,9%). FactSet dự kiến 7 trong số 10 ngành trong nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ báo cáo doanh thu tăng trưởng hai con số, bao gồm cả khách sạn và nhà hàng.
Một trong những rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ năm 2021 là sự lạc quan quá mức. Các dấu hiệu về bong bóng đang xuất hiện khắp nơi. Hàng loạt chuyên gia đã phát đi cảnh báo.
Thị trường IPO bùng nổ điên cuồng. Chứng khoán kể từ thời dotcom chưa bao giờ đắt đỏ như hiện nay. Chỉ số Nasdaq 100 tăng gấp đôi trong vòng hai năm, định giá cổ phiếu công nghệ cao ngất ngưởng trong khi biến động vẫn ở mức cao.
Nghiên cứu được xuất bản năm 2019 của Đại học Harvard cho thấy những đợt chứng khoán tăng kết thúc trong thảm họa có chung một số đặc điểm: các đợt phát hành cổ phiếu tăng, biến động cao, một ngành hay chỉ số chứng khoán tăng gấp đôi và cao hơn thị trường chung gần hai lần. Tất cả dấu hiệu này đều giống với chứng khoán Mỹ đầu năm 2021.
Chuyên gia cổ phiếu Savita Subramanian của Bank of America chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với thị trường: "Cuộc phục hồi kinh tế vẫn còn nguyên vẹn và thế giới có thể sẽ mở cửa trở lại trong nửa cuối năm, nhưng phần lớn sự lạc quan đối với vắc xin đã được phản ánh vào giá".
"Rủi ro triển khai vắc xin, kích thích tài khóa bị trì hoãn và phong tỏa kéo dài hơn là những nguy cơ có thật. Chỉ cần phần bù rủi ro cổ phiếu quay trở về mức trung bình của thập kỷ trước là 500-550 điểm cơ bản thì chỉ số S&P 500 sẽ sụt xuống ngưỡng 3.000-3.050 điểm" - tương ứng mức giảm 27% so với giá đóng cửa ngày 12/1.
Bà Subramanian đặt mục tiêu S&P 500 đạt 3.800 điểm trong năm 2021, dự đoán khiêm tốn nhất trong số các tổ chức tài chính lớn mà Yahoo Finance khảo sát.