Triển vọng u ám của nền kinh tế Mỹ khi lưỡng đảng bất đồng sau hạn chót

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tối ngày 19/10 đưa ra hạn chót 48 giờ để lưỡng đảng Mỹ cùng thảo luận về gói cứu trợ Covid-19 tiếp theo. Tuy nhiên, hạn chót đã kết thúc mà hai bên chưa đi đến thỏa thuận nào và tình cảnh của nền kinh tế Mỹ chỉ có thể u ám hơn trong các tháng cuối năm.

Do không có thỏa thuận cho đến hết ngày 21/10 (theo giờ Mỹ), các chuyên gia nhận định phải đến ngày 20/1 năm sau (tức ngày nhậm chức của tổng thống Mỹ tiếp theo) thì nước Mỹ may ra mới có một gói cứu trợ khác.

Khi kì vọng về gói kích thích tài khóa mới giảm dần trước thềm ngày bầu cử 3/11, các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ đều mất điểm trong phiên giao dịch ngày 21/10. 

Điều đó khiến Tổng thống Trump tức tối đăng tweet: "Không thấy bất kì dấu hiệu nào chỉ ra Nancy Pelosi và Chuck Schumer sẵn sàng thông qua gói cứu trợ vì người dân Mỹ, vì nước Mỹ tuyệt vời của chúng ta".

"Họ chỉ quan tâm cứu trợ cho các chính quyền địa phương của phe Dân chủ, mà đám này điều hành rất kém cỏi và có tỉ lệ tội phạm cao ngất ngưởng. Đáng lẽ ra họ nên chăm sóc người dân Mỹ, người dân đâu có tội tình gì khi mà Covid-19 là căn bệnh đến từ Trung Quốc!", ông Trump tiếp tục.

Bà Pelosi và ông Schumer là hai nhà lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ, đang lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch Hạ viện và Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện.

Đảng Dân chủ Hạ viện của bà Pelosi đề xuất gói cứu trợ trị giá 2.200 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn trong đại dịch. Nhà Trắng đưa ra đề xuất 1.800 tỉ USD và ông Trump khẳng định ông có thể chi nhiều hơn.

Song, ông Mitch McConnel, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện, cho biết ông đã khuyên Nhà Trắng không nên thống nhất thỏa thuận với bà Pelosi trước ngày bầu cử. Ông McConnell cảnh báo phần lớn thành viên Đảng Cộng hòa không nhất trí với đề xuất cứu trợ quá lớn của Đảng Dân chủ Hạ viện.

Sau khi hạn chót 48 giờ kết thúc mà không có thỏa thuận, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin dự kiến sẽ đàm phán lại vào ngày 22/10 (theo giờ Mỹ).

Cuộc chiến về gói cứu trợ mới tại Tòa nhà Quốc hội đã bắt đầu từ tháng 5 năm nay và một số chuyên gia kinh tế dự đoán tình hình có thể bắt đầu tồi tệ hơn đối với nhóm dân số bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch nếu cứu trợ mới không sớm được tung ra.

Viễn cảnh u ám chờ đợi kinh tế Mỹ khi lưỡng đảng trắng tay sau hạn chót 48 giờ - Ảnh 1.

Không có gói cứu trợ mới, người lao động Mỹ mất trợ cấp bổ sung, doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản trên diện rộng và quá trình phục hồi của thị trường lao động cũng như nền kinh tế đều mờ mịt. (Ảnh minh họa. Nguồn: AP).

Viễn cảnh u ám

"Đà phục hồi kinh tế đang chững lại", ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, gần đây chia sẻ với Fortune. "Nếu không có cứu trợ bổ sung, nền kinh tế có nguy cơ đình trệ hoặc thậm chí là đi thụt lùi".

Theo ông Brett Ryan, chuyên gia cấp cao về kinh tế Mỹ tại Deutsche Bank, việc không có một dự luật kích thích kinh tế bổ sung trong năm nay có thể tác động tiêu cực đến thu nhập của người lao động.

"Ảnh hưởng tức thời nhất là đối với mức thu nhập tăng thêm" từ trợ cấp thất nghiệp bổ sung, ông Ryan cho hay.

Hơn 25 triệu người Mỹ đang được hưởng một số dạng trợ cấp thất nghiệp. Nếu không có một gói kích thích mới, người lao động khó có thể nhận thêm các trợ cấp thất nghiệp bổ sung. Trước khi chương trình cũ hết hạn vào cuối tháng 7, người lao động thất nghiệp nhận được 600 USD trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bên cạnh mức trợ cấp mà chính quyền các bang thường chi trả.

Vào tháng 8, ông Trump đã kí một bản ghi nhớ để cung cấp 300 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung hàng tuần cho lao động thất nghiệp, tuy nhiên ngân sách 44 tỉ USD mà ông dành riêng cho chương trình này đang cạn dần và hầu hết các bang đã dừng thanh toán.

Ông Ryan của Deutsche Bank dự đoán, không có gói cứu trợ mới với trợ cấp thất nghiệp bổ sung thì "nền kinh tế Mỹ thụt lùi khoảng một quí".

"Tổng thu nhập của người lao động Mỹ sẽ giảm gần 1.000 tỉ USD trong quí III và quí IV năm nay, con số này thực sự rất lớn", ông Ryan nhấn mạnh. Phần lớn mức giảm bắt nguồn từ việc chính phủ không tung ra các trợ cấp thất nghiệp bổ sung, chỉ riêng khoản này đã có thể gây ra "thiệt hại khoảng 500 tỉ USD trong quí IV".

Một vấn đề khác là khi gói cứu trợ không được thông qua, "thu nhập của người lao động sẽ biến mất trong mùa lễ hội cuối năm", ông Ryan lưu ý. Doanh số bán lẻ có thể bắt đầu suy yếu dù ghi nhận kết quả tốt trong tháng 9, vì người tiêu dùng bớt chi tiêu mua sắm các mặt hàng như quần áo mới.

Vị chuyên gia của Deutsche Bank gợi ý rằng chi tiêu của người tiêu dùng trong các tháng tới có thể sụt giảm.

Dù nhận định khả năng trên khó xảy ra, ông Ryan lưu ý: "Nếu mùa mua sắm dịp lễ cuối năm yếu hơn và doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu đi xuống, họ nhiều khả năng không thuê thêm người lao động hay chấp nhận rủi ro".

"Chắc chính phủ không muốn tạo ra yếu tố tiêu cực cho nền kinh tế vì khi các công ty thấy nhu cầu ít hơn so với kì vọng và giảm tuyển dụng, nền kinh tế sẽ lao dốc", ông Ryan nói tiếp.

Nếu cứu trợ không đến sớm, tác động tiêu cực tiềm ẩn có thể xuất hiện với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các công ty trong ngành dịch vụ khách sạn.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã dùng cạn kiệt các khoản vay trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Khi họ tiếp tục vật lộn để tồn tại và thời tiết trở lạnh hơn, giới chuyên gia kinh tế dự đoán nhóm các công ty làm ăn nhỏ sẽ có thêm vài tháng khó khăn nếu viện trợ không được thông qua.

Ông Ryan của Deutsche Bank lập luận, việc không bổ sung ngân sách cho chương trình PPP có thể "khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ bị phá sản hơn khi chúng ta bước vào mùa đông, vì cả nước vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp nhỏ".

"Không có thêm chương trình PPP mới là vấn đề tiềm ẩn về thời gian và có thể làm chậm tốc độ phục hồi của thị trường lao động", ông Ryan nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc lưỡng đảng Mỹ không thông qua một gói cứu trợ mới trước thềm bầu cử tổng thống không đồng nghĩa rằng họ sẽ không duyệt bất kì thỏa thuận nào. Tuy nhiên, các nhà kinh tế như ông Ryan dự đoán phải đến đầu năm sau, có thể là tháng 2, Mỹ mới có thêm trợ cấp Covid-19.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.