Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa ra báo cáo tài chính quí II/2020 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.590 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kì.
Về chi phí hoạt động, chi phí tài chính tăng 19% lên 75 tỉ đồng chủ yếu do lãi vay trong kì tăng, ngược lại, chi phí bán hàng giảm chỉ bằng một nửa quí II/2019.
Đáng chú ý, Vinaconex ghi nhận chi phí quản lí doanh nghiệp trong quí II/2020 âm 222 tỉ đồng trong khi cùng kì là 101 tỉ đồng. Thời điểm quí I/2020, khoản chi phí này từng lên tới 574 tỉ đồng.
Dựa trên thay đổi giá trị trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo thuyết minh BCTC quí I và II của Vinaconex, doanh nghiệp này đã hoàn nhập 287 tỉ đồng dự phòng phải thu khó đòi, tuy nhiên không nêu rõ khoản phải thu khó đòi hàng trăm tỉ đồng đến từ đâu.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex tăng trưởng gần gấp đôi cùng kì, đạt 391,5 tỉ đồng. Lãi ròng sau thuế quí II năm nay đạt 321,6 tỉ đồng, tăng 51% so với quí II/2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty thu về 2.590 tỉ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 34% so với nửa đầu năm ngoái. Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 92 tỉ đồng lên 726 tỉ đồng nhờ hạch toán khoản thu từ các thương vụ thoái vốn cuối năm 2019 (634 tỉ đồng).
Cụ thể hơn, Vinaconex cho biết đã bán hết 5,4 triệu cổ phần CTCP Vinaconex 2 (VC2) theo phương thức thỏa thuận; bán toàn bộ cổ phần trong CTCP Ống sợi Thủy tinh Vinaconex (Viglafico) và bán gần 16 triệu cổ phiếu, tương ứng 28% cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Năng lượng Vinaconex (Vinaconex Power - Mã: VCP).
Trước đó, Vinaconex cũng đã bán vốn thành công tại các đơn vị gồm CTCP VIPACO, CTCP Xuân Mai Đà Nẵng, CTCP Đầu tư và Thương mại Vinaconex, CTCP Xây dựng và XNK Quyết Thắng…
Ngoài ra, công ty không còn khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư khiến lợi nhuận khác giảm 80% còn 14,3 tỉ đồng.
Theo đó, lãi ròng nửa đầu năm của Vinaconex đạt 385,4 tỉ đồng, tăng 24% so với nửa đầu năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 369 tỉ đồng, tăng 30%.
Trước ĐHĐCĐ thường niên 2020, câu chuyện dòng tiền kinh doanh âm trong năm 2019 của Vinaconex được cổ đông đặc biệt quan tâm, sau nửa năm vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đến cuối kì này tiếp tục âm 962 tỉ đồng do tăng đột biến khoản phải thu lên 1.360 tỉ đồng.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản Vinaconex đạt 18.644 tỉ đồng, giảm 3,4% từ đầu năm.
Trong đó, hàng tồn kho giảm 19% về 1.889 tỉ đồng, tập trung 94% giá trị tại các dự án Resort Phú Yên, Resort Tam Kỳ, Bảo tàng Hà Nội, dự án Bohemia, C1 khu văn phòng và nhà ở Vinaconex 1 cùng nhiều dự án khác.
Đầu tư tài chính ngắn và dài hạn giảm 23% còn 1.403 tỉ đồng. Theo cập nhật tình hình hoạt động các công ty liên doanh và công ty liên kết của Vinaconex trong 6 tháng đầu năm, 50% các đơn vị này kinh doanh thua lỗ, trong đó có Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC ) – chủ đầu tư dự án KĐT mới Bắc An Khánh (Splendora) có diện tích hơn 264 ha, nằm tại huyện Hoài Đức - Hà Nội.
Hiện tại, giá trị khoản đầu tư Vinaconex rót vào An Khánh JVC đứng thứ hai (340 tỉ đồng) trong nhóm các đơn vị liên doanh - liên kết, chỉ sau CTCP Xi măng Cẩm Phả (600 tỉ đồng).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho hay An Khánh là công ty liên doanh 50 – 50, tất cả vấn đề đều phải có sự đồng ý của toàn bộ thành viên HĐQT. Điều này gây mất thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp, trong khi đó, nợ vay tại dự án ngày một nhiều với cả trăm tỉ đồng tiền lãi hàng năm.
Vinaconex đưa ra hai phương án dứt điểm dự án Splendora. Phương án 1 là Vinaconex đàm phán đề chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu để thu hồi vốn, đầu tư vào các dự án tiềm năng khác.
Phương án 2 là Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn của thành viên góp vốn còn lại tại An Khánh JVC để có thể chủ động điều hành và triển khai dự án.
Điểm sáng cho Vinaconex là nợ vay trong kì giảm 11% về 4.148 tỉ đồng do công ty thoái vốn tại các công ty con, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Mới đây, công ty con của Vinaconex là Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư (Vinaconex Invest) đã được Hà Nội trao chứng nhận đầu tư Dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông với tổng mức đầu tư trên 1.211 tỉ đồng, diện tích 72,5 ha dự kiến triển khai và đưa vào hoạt động từ năm 2020 - 2022.
Ngoài dự án nói trên, Vinaconex Invest đang triển khai khảo sát lập, qui hoạch và đầu tư dự án KCN Thanh Liêm, Hà Nam với qui mô 450 ha.