Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup) sáng sớm ngày 2/4 đã công bố thông tin nhận chuyển nhượng chuỗi gồm toàn bộ cửa hàng Shop&Go đang có trên thị trường.
Thực tế cho thấy miếng bánh bán lẻ được dự đoán trị giá 180 tỉ USD vào năm 2020 vốn không dễ "nuốt", bởi đây là cuộc chiến giành giật khốc liệt. Trước Shop&Go, nhiều tay chơi có mặt trên thị trường buộc phải chấp nhận bị xóa sổ, nhường doanh nghiệp lại cho các ông lớn trong ngành.
Công bố thông tin sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go - thuộc hệ thống của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống, trong sáng nay, VinCommerce gây bất ngờ, bởi thương vụ có giá trị chỉ 1 USD.
Vingroup mua lại chuỗi Shop&Go với giá chỉ 1 USD.
Một điểm đặc biệt khác là chính đơn vị sở hữu Shop&Go chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi đã gầy dựng suốt 14 năm qua cho công ty thuộc tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Đại diện Shop&Go thừa nhận nhảy vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam từ năm 2005, doanh nghiệp nhận thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, càng đi lâu thì cạnh tranh càng khốc liệt, và không như hình dung ban đầu của doanh nghiệp.
Vị này cho biết: "Chúng tôi quyết định tặng lại Shop&Go để họ tiếp tục đầu tư, phát triển", khi nói về quyết định chọn công ty hoạt động ở mảng bán lẻ của Vingroup để đề nghị chuyển nhượng.
Thực tế, với giá trị chuyển nhượng 1 USD, nếu quy đổi thành tiền đồng, thì cũng chỉ hơn 20.000 đồng, tức bằng một li cà phê vỉa hè tại các quận trung tâm TP HCM. Vì vậy, có thể xem rằng, Shop&Go đã "tặng lại" chuỗi gồm toàn bộ cửa hàng của mình cho Vingroup.
Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 4. Sau sáp nhập, VinCommerce sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ thống nhất theo tiêu chuẩn của hệ thống VinMart và VinMart+.
Tháng 10 năm ngoái, một chuỗi bán lẻ khác chính thức bị xóa sổ, là Fivimart, cũng do Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng mua lại 100% cổ phần.
Thời điểm bị thâu tóm, Fivimart có 23 siêu thị trên toàn quốc.
Fivimart bị thâu tóm vào tháng 10/2018.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Tập đoàn Vingroup vừa công bố, doanh nghiệp đã mua lại 100% cổ phần của Công ty CP Đầu tư Nhất Nam - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart.
Trước đó, năm 2015, Tập đoàn Aeon của Nhật Bản tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart. Ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản khi vào Việt Nam thể hiện tham vọng muốn hợp tác kinh doanh với hai nhà bán lẻ lớn của khu vực phía Bắc và phía Nam ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 3 năm hợp tác, kết quả kinh doanh của Fivimart không đạt như kì vọng của đại gia Nhật, khi liên tục báo lỗ.
Trước thời điểm Vingroup công bố thông tin mua lại Fivimart một tuần, đại diện Aeon thông tin quyết định hủy hợp tác với thương hiệu này, vì phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của Aeon và Fivimart có sự khác nhau.
Và chiến lược một tuần sau đó của Fivimart là sáp nhập vào Vingroup.
Các siêu thị của Fivimart sau sáp nhập được đổi tên và cơ cấu lại theo hệ thống Vinmart của VinCommerce.
5 năm trước, thương hiệu bán lẻ Ocean Mart thuộc Công ty Ocean Retail cũng bị xóa sổ trên thị trường, sáp nhập vào Tập đoàn Vingroup.
Thời điểm đó, Vingroup công bố mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail và trở thành chủ sở hữu mới, chi phối hệ thống trung tâm thương mại - siêu thị Ocean Mart của doanh nghiệp này.
Tại thời điểm thâu tóm, hệ thống gồm 13 siêu thị đang kinh doanh và có kế hoạch xây dựng hơn 40 siêu thị trên khắp cả nước.
Maximart được đánh giá có địa điểm kinh doanh tiện lợi và mặt bằng rộng.
Chưa đầy 2 tháng sau khi chính thức công bố thương vụ, hệ thống siêu thị Ocean Mart được đổi tên thành Vinmart, tức chỉ mới hoạt động được tên thị trường hơn một năm.
Năm 2014, chuỗi siêu thị Maximark thuộc Công ty CP Đầu tư An Phong cũng gây chú ý, khi Vingroup công bố thông tin mua lại 100% cổ phần của hệ thống trung tâm thương mại này.
Thời điểm đó, Maximark có 4 siêu thị tại TP HCM và 5 địa điểm kinh doanh khác tại Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Biên Hòa. Có thể thấy hầu hết điểm kinh doanh Maximark đều nằm ở vị trí tiện lợi, đông dân cư với diện tích rộng hơn 20.000 m2. Đây được xem điều kiện thuận lợi để sau khi sáp nhập, Maximark trở thành hệ thống bán lẻ của Vingroup.
Maximart đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ gần 20 năm, tuy nhiên, có thể nói tốc độ phát triển của chuỗi này khá chậm trước khi về Vingroup.
Thương vụ chuyển nhượng đình đám hoàn tất trong thời gian chỉ hai tuần.
Metro mất tên khi vào tay người Thái
Metro đã mất tên sau 1 năm về tay người Thái.
Một thương hiệu chuyên bán hàng tiêu dùng đình đám và sừng sỏ tại thị trường TP HCM là Metro Việt Nam, vốn là điểm mua sắm quen thuộc và nổi tiếng với người tiêu dùng thành phố.
Tuy nhiên, đầu năm 2016, Tập đoàn Metro AG của Đức - chủ sở hữu của thương hiệu này, đã công bố hoàn tất việc bán Metro cho TCC Holdings của Thái Lan.
Dù ban đầu tuyên bố sẽ giữ lại thương hiệu Metro Việt Nam, nhưng sau đúng 1 năm, 19 siêu thị thuộc hệ thống Metro trên toàn quốc đã được đổi tên thành MM Mega Market.
Một trong những doanh nghiệp Việt lấn sân kinh doanh cửa hàng tiện lợi khá sớm là cà phê Trung Nguyên.
Năm 2011, G7 của trung Nguyên đã đưa chuỗi Ministop của Nhật Bản về theo hình thức nhượng quyền thương hiệu. Với số vốn ban đầu hơn 10 triệu USD, tham vọng của Trung Nguyên thời điểm đó là sau 5 năm phải mở rộng chuỗi lên 500 cửa hàng.
Tuy nhiên sau đó, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nên chỉ còn duy trì được hơn chục cửa hàng.
Trung Nguyên là một trong những doanh nghiệp Việt lấn sân kinh doanh cửa hàng tiện lợi khá sớm nhưng cũng chia tay mô hình này nhanh chóng.
Thời điểm đó, nhiều người cho rằng tham vọng của Trung Nguyên khó thành hiện thực, bởi thị trường chưa quá phát triển, đồng thời, những tên tuổi lớn cũng chưa đạt được con số cửa hàng khổng lồ này. Trong khi đó, nguồn cung về mặt bằng tại TP HCM và Hà Nội cũng là một trở ngại lớn khi khó tìm kiếm và giá thành đắt đỏ.
Sau đó, các cửa hàng Ministop hoạt động với doanh thu không khả quan nên chuỗi này đã chia tay Trung Nguyên, chuyển sang hợp tác với đối tác mới là Sojitz.
Hiện chuỗi Ministop phủ rộng tại TP HCM với hơn 100 cửa hàng.