Từ ông chủ BOT kín tiếng đến 'đế chế' bất động sản nghìn tỉ tại Quảng Bình

Tập đoàn Trường Thịnh sở hữu danh mục dự án "khủng" tại Quảng Bình gồm Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường thuộc quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Sở hữu hàng loạt dự án "khủng", nhưng ông chủ Tập đoàn là người khá kín tiếng.

Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư theo giới thiệu sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn sân gôn 36 lỗ đạt đẳng cấp quốc tế, có tổng vốn đầu tư 800 tỉ đồng.

Đáng chú ý, dự án này sẽ được xây trên diện tích 165,74 ha, chủ yếu là đất rừng sản xuất (tỉ lệ 93,64%), đất trồng cây lâu năm (4,78%), đất giao thông (1,54%), đất chưa sử dụng (0,04%).

Nhà đầu tư dự án là CTCP Tập đoàn Trường Thịnh sau khi doanh nghiệp này trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất đối với diện tích đất rừng sản xuất do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức.

Ông chủ kín tiếng sở hữu danh mục dự án "khủng" tại Quảng Bình 

Chân dung Tập đoàn Trường Thịnh - chủ đầu tư sân golf 800 tỉ đồng ở Quảng Bình - Ảnh 1.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB trao thỏa thuận tài trợ tín dụng cho ông Võ Minh Hoài - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Trường Thịnh để triển khai dự án Sân Golf Bảo Ninh - Trường Thịnh. (Nguồn: giadinhvietnam.com)

CTCP Tập đoàn Trường Thịnh (Trường Thịnh) tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh được thành lập năm 1994. Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch.

Trường Thịnh có trụ sở tại số 50, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Võ Minh Hoài (sinh năm 1958).

Ngoài ông Hoài, hai thành viên HĐQT của Trường Thịnh hiện nay gồm bà Trương Thị Kim Oanh (sinh năm 1982) và bà Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1991). Cả 3 người đều có địa chỉ thường trú tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Hiện tại, Trường Thịnh có 16 công ty thành viên, bao gồm: CTCP Tư vấn Xây dựng Trường Thịnh, CTCP Trường Thịnh 5, Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh, CTCP Thủy điện Trường Thịnh, CTCP Du lịch Suối Bang Trường Thịnh, CTCP Trường Thịnh Golf & Resort, Công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Đường tránh Thành phố Đồng Hới, Công ty TNHH BOT Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh….

Chân dung Tập đoàn Trường Thịnh - chủ đầu tư sân golf 800 tỉ đồng ở Quảng Bình - Ảnh 2.

Ông Võ Minh Hoài - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thịnh (Ảnh: truongthinh.com)

Dù khá kín tiếng trên thị trường bất động sản, song, Trường Thịnh là một cái tên quen thuộc tại địa phương này, được biết đến là doanh nhiệp sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn đặc biệt là tại Quảng Bình. 

Đơn cử, Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường nằm trong khu vưc Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là một trong những dự án BĐS đầu tay của Tập đoàn này. Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005 và được đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ tháng 9/2010. Đây được xem là một trong những kì quan tráng lệ và huyền ảo bậc nhất thế giới được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất”.

Tập đoàn Trường Thịnh: Từ ông chủ BOT đến 'đế chế ' bất động sản Quảng Bình - Ảnh 3.

Động Thiên Đường (Ảnh: Vntrip)

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sở hữu Khu du lịch Mỹ Cảnh (Sun Spa Resort) tại bán đảo Bảo Ninh, Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch gần nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến (hơn 500 tỉ đồng), Khu du lịch Suối Bang (50 tỉ đồng), Khu đô thị mới Bảo Ninh (hơn 650 tỉ đồng); …

Chân dung Tập đoàn Trường Thịnh - chủ đầu tư sân golf 800 tỉ đồng ở Quảng Bình - Ảnh 3.

Dự án Sun Spa Resort Quảng Bình do Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư. (Ảnh: quangbinhtravel.vn)

Ngoài ra, hồi tháng 11/2019, Trường Thịnh đã kí kết hợp tác đầu tư cùng Onsen Fuji để phát triển dự án khách sạn nghỉ dưỡng 6 sao Dolce Lynn Times Quảng Bình. Được biết, dự án có qui mô 29 ha, được xây dựng ngay sát biển, thuộc khu du lịch dịch vụ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới.

Từ ông chủ BOT đến đế chế bất động sản nghìn tỉ

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản của Trường Thịnh bắt đầu được đẩy mạnh sau giai đoạn doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Theo giới thiệu của Tập đoàn này, năm 2000, Trường Thịnh được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn là liên danh chính trong Liên danh Xây dựng Quảng Bình thi công đoạn Nam cầu Xuân Sơn - Bắc cầu Đá Mài thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, gói thầu trị giá 145 tỉ đồng, thời gian thi công 3 năm. Đây được xem là bước ngoặt phát triển của Trường Thịnh khi lần đầu bước ra sân chơi lớn.

Năm 2003, doanh nghiệp bắt đầu tham gia đấu thầu quốc tế. Liên danh nhà thầu Trường Thịnh - WKK (Nhật Bản) đã trúng thầu thi công gói thầu số R1-NH9 (một trong những gói thầu lớn của dự án phát triển Hành lang giao thông Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị) có giá trị hơn 131 tỉ đồng.

Cùng thời điểm này, Trường Thịnh cũng tham gia xây dựng mới 10 km đường QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La (vốn trái phiếu Chính phủ); Thi công dự án QL12C nối cảng Vũng Áng với biên giới Việt - Lào, Dự án nâng cấp QL12A; Dự án XD QL4G - Sơn La; Các gói thầu thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL279 - Lạng Sơn...

Hiện Trường Thịnh đang nắm quyền thu phí tại một loạt dự án BOT như  Dự án BOT đường tránh TP Đồng Hới; BOT mở rộng QL1 đoạn từ TP Đông Hà đến TX Quảng Trị; BOT QL1 đoạn Quảng Ninh - Lệ Thủy; BOT nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Gio Linh - TP Đông Hà; Trạm thu phí Quán Hàu, Trạm thu phí Triệu Phong – Quảng Trị…

Bên cạnh đó, Trường Thịnh còn là chủ đầu tư Công trình thủy điện La Trọng - Sông Gianh 1 có công suất lắp máy 18 MW với tổng mức đầu tư 825 tỉ đồng.

Qui mô tài sản của Trường Thịnh đã tăng nhanh chóng trong khoảng chục năm qua. Từ số vốn điều lệ ban đầu 4,5 tỉ đồng, đến năm 2013, Tập đoàn đã tăng vốn lên 810 tỉ đồng và tiếp tục lên 1.889 tỉ đồng vào tháng 12/2016. Tại lần đăng kí thay đổi gần nhất (tháng 6/2020), Trường Thịnh tăng vốn điều lệ từ 2.109 tỉ đồng lên 2.619 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính của Trường Thịnh công bố, tại ngày 31/12/2019, doanh nghiệp đang ghi nhận giá trị tài sản dài hạn là 3.421 tỉ đồng, nợ dài hạn là 1.769 tỉ đồng. 

Với việc sở hữu danh mục dự án "khủng", việc Trường Thịnh liên tục phải huy động vốn cũng là điều dễ hiểu.

Tháng 12/2019, Trường Thịnh công bố phát hành thành công 434,6 tỉ đồng trái phiếu. Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền, lãi suất 10,5%/năm.

Tài sản đảm bảo là gần 182 triệu cổ phần của ông Võ Minh Hoài tại Trường Thịnh. Giá trị cổ phần cầm cố là 1.976 tỉ đồng, tương đương gần 11.000 đồng/cổ phần. Được biết, số cổ phần này chiếm 96,3% vốn của Trường Thịnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn thế chấp quyền sử dụng đất và toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai gắn liền với khu đất có diện tích gần 42 ha tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình làm tài sản đảm bảo.

Bên thu xếp đợt phát hành trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), chi nhánh Hàm Long và CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS).

Trước đó, ngày 12/8/2019, Trường Thịnh thế chấp toàn bộ quyền lợi, lợi ích gắn liền hoặc phát sinh từ việc kinh doanh, khai thác Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) để vay Ngân hàng TCMP Sài Gòn Hà Nội Chi nhánh Vạn Phúc,...

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.