Ông chủ Facebook đối mặt với cáo buộc lợi dụng thế độc quyền để 'nuốt' đối thủ

Điều trần trước Quốc hội ngày 30/7, tỉ phú Mark Zuckerberg thừa nhận việc "sử dụng tính năng mà các mạng xã hội khác dẫn đầu" nhưng phủ nhận việc sử dụng chiến lược đó để thâu tóm đối thủ.

Ông Mark Zuckeberg, nhà sáng lập và tổng giám đốc Facebook đã tham gia phiên điều trần chống độc quyền vào ngày 30/7. Trong phiên điều trần, Zuckerberg trả lời câu hỏi về chiến lược "sao chép" các tính năng của đối thủ cạnh tranh, và thậm chí sử dụng đó như một cách để đàm phán hay đe dọa trong các thương vụ mua bán, sáp nhập.

Người đứng đầu Facebook thừa nhận mạng xã hội lớn nhất thế giới đã "sử dụng các tính năng mà mạng xã hội khác dẫn đầu". Tuy nhiên Zuckerberg phủ nhận hoàn toàn việc sử dụng chiến lược đó một cách không lành mạnh, ví dụ như việc gây áp lực buộc một công ty phải bán lại cho Facebook.

Hạ nghị sĩ Pramila Jayapa, một thành viên trong Tiểu ban Chống độc quyền cho rằng chiến lược thâu tóm các công ty khác được thể hiện rõ trong các email của Zuckerberg và giám đốc vận hành Sheryl Sandberg. Email cho thấy, chính ông chủ Facebook nói rằng cách để phát triển nhanh hơn là ngăn chặn sự bành trướng của đối thủ.

Mark Zuckerberg ra phiên điều trần chống độc quyền, lộ chiến lược thâu tóm Instagram trong quá khứ - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg "không nhớ" ông từng đe dọa bất cứ công ty nào bằng cách dọa sao chép tính năng đối thủ. (Ảnh: TechCrunch).

Mark Zucerberg từ chối tiết lộ sau email đó, Facebook đã thâu tóm bao nhiêu công ty khác. Ông cũng "không nhớ" rằng đã từng đe dọa một công ty nào bằng cách sao chép tính năng của họ trong khi cố gắng mua lại.

Trong vòng điều trần, Mark Zuckerberg được chất vấn về thương vụ mua lại Instagram vào năm 2012, thương vụ tỉ USD góp phần lớn vào thành công cho Facebook sau này. Trước khi về với Facebook, Instagram là mạng xã hội mạnh về chia sẻ ảnh.

Nghị sĩ Pramila Jayapa cho rằng Mark Zuckerberg từng nhắn tin cho nhà sáng lập Instagram là Kevin Systrom về việc sẽ phát triển tính năng Facebook Camera. 

"Người sáng lập Instagram cũng đã tâm sự với một nhà đầu tư rằng anh ta cảm thấy những bình luận của Zuckerberg là một mối đe dọa, và lo ngại rằng Facebook sẽ chuyển sang "chế độ hủy diệt" nếu anh không bán Instagram", Pramila Jayapa nói.

Mark Zuckerberg ra phiên điều trần chống độc quyền, lộ chiến lược thâu tóm Instagram trong quá khứ - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Kevin Systrom từng lo sợ Facebook sẽ bật chế độ "hủy diệt" nếu không bán mình. (Ảnh: TechCrunch).

CEO Facebook không phủ nhận về sự tồn tại của cuộc hội thoại, nhưng phủ nhận cáo buộc xoay quanh việc cạnh tranh không lành mạnh. Khi được hỏi liệu Facebook có sử dụng chiến lược tương tự để thâu tóm Snapchat hay không, Zuckerberg nói rằng ông không nhớ rõ từng đoạn hội thoại, nhưng chắc chắn Facebook đang xây dựng những thứ mới.

Phiên điều trần kết thúc với kết luận của Pramila Jayapa cho rằng những hành động của Facebook là độc quyền, lợi dụng vị thế độc quyền để thâu tóm đối thủ.

"Tôi cho rằng khi một nền tảng cố gắng đe dọa sự tồn tại của đối thủ cạnh tranh, đó không phải là một hoạt động kinh doanh bình thường. Facebook cố gắng sử dụng vị thế độc quyền để lưu trữ dữ liệu của người dùng, rồi sử dụng dữ liệu đó để nuốt chửng đối thủ", Pramila Jayapa tuyên bố.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.