Tuyển sinh lớp 1: Cuộc chạy đua vào trường tư có học phí trăm triệu

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có kế hoạch rà soát, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh từ mầm non đến lớp 6 năm học 2018-2019 trên địa bàn. Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở vật chất trường công chưa đáp ứng đủ nên nhiều phụ huynh đã chạy đua cả tiền bạc lẫn thời gian đưa con đi ôn luyện để mong có được suất học ở trường ngoài công lập như mơ ước.
tuyen sinh lop 1 cuoc chay dua vao truong tu co hoc phi tram trieu
Học sinh học trải nghiệm tại Trường tiểu học Archimedes Academy Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Bích Liên, ở quận Thanh Xuân chia sẻ, năm nay chị có con gái chuẩn bị vào lớp 1. Gia đình có hộ khẩu Hà Nội, với điều kiện đó, con gái chị có thể có 1 suất học tại trường tiểu học gần nhà.

Tuy nhiên, chị Liên cho biết, con trai đầu đã học và “nếm đủ” dư vị của trường công nên dù gia đình không giàu có vẫn cố đầu tư cho con gái út được học ở một ngôi trường tốt cả về cơ sở vật chất lẫn chương trình.

Chị tâm sự: Cách đây vài tuần, dẫn con đi tham quan nhiều trường ở khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy cuối cùng cả gia đình chốt chọn trường Archimedes Academy. Tuy nhiên, khi đến liên hệ, gia đình ngã ngửa vì nhận được câu trả lời là trường đã hết chỗ. “Mình cứ nghĩ trường tư với học phí cao thì vào rất thoải mái, ai ngờ, muốn vào trường, các con phải được học dự bị từ trước đó rất lâu”, chị Liên nói.

Trong khi đó, thời điểm này, chị Nguyễn Thu Tâm ở Hoàng Mai (Hà Nội) đang thuê gia sư cho con 6 tuổi học ngày đêm cả tiếng Anh lẫn kiến thức xã hội. Chị Tâm cho biết, từ khi xác định sẽ không cho con theo trường công, cả gia đình lại thấy căng thẳng vì nếu con không đạt trong đợt tuyển sinh cũng sẽ không vào được trường mong muốn.

Vì thế, “đâm lao phải theo lao”, con vừa học mẫu giáo ở trường vừa học tăng cường tuần 4 buổi, 8 giờ tiếng Anh và đến trung tâm để tập làm quen với các kỹ năng như trả lời phỏng vấn, làm bài trắc nghiệm.

Chị Tâm tính toán, nếu cho con học trường công, kinh phí có thể ít hơn nhưng một lớp 50-60 em như hiện nay gia đình sợ con không tiếp thu được. Chưa kể, việc học ngoại ngữ ở trường công hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, gia đình vẫn phải đầu tư cho con học ở các trung tâm có tiếng ở ngoài với chi phí đắt đỏ.

Vì vậy, tính đi tính lại, gia đình cắt giảm chi tiêu ở các khoản khác để đầu tư cho con vào trường ngoài công lập với mức chi phí khoảng từ 6-8 triệu bao gồm tiền học phí, tiền ăn bán trú.

“Quan trọng hơn cả là ở các trường này họ đầu tư cơ sở vật chất tốt, mỗi lớp không quá 30 học sinh, tăng cường hoạt động trải nghiệm và đặc biệt là mỗi tuần con được học đến 8 tiết ngoại ngữ là điều mà gia đình nào cũng mong muốn hiện nay”, chị Tâm nói.

Một phụ huynh khác cũng có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ, nếu có tiền gia đình cũng mong muốn cho con được học trong môi trường tốt. Theo phụ huynh này, điều chị không hài lòng về trường công không chỉ vì sĩ số đông, có khi cả tháng giáo viên không gọi bài đến con mình mà chương trình ngoại ngữ của học sinh trong trường công quá tệ.

Phụ huynh này nói: “Trẻ học ở trường tư đến lớp 4-5 đã nói tiếng Anh rất tốt, có em giỏi còn đi thi Toán bằng tiếng Anh được, trong khi con lớn học trường công 12 năm vẫn bì bõm, không nói nổi”.

Học phí cao vẫn phải khảo sát, kiểm tra

Theo một phụ huynh có con dự tuyển vào Trường Tiểu học Archimedes Academy Hà Nội, mỗi tháng học phí khoảng 8 triệu đồng. Học phí cao như vậy nhưng để tuyển sinh lớp 1 cho năm học 2018-2019, từ 20/1, trường này đã tổ chức khóa trải nghiệm có tên “Let’s Start 2018” để giúp học sinh làm quen với hoạt động học tập và sinh hoạt ở trường.

Khóa trải nghiệm có tới 600 em trong độ tuổi đến trường tham gia, trong đó, các em phải tham gia các giờ học Toán, ngôn ngữ, khả năng tư duy và tiếng Anh.

Hay như Trường phổ thông song ngữ Liên cấp Wellspring, riêng lớp 1 đã có mức học phí lên tới 123,9 triệu đồng/năm cho chương trình song ngữ. Vậy nhưng, để vào được trường, học sinh phải trải qua bài kiểm tra đầu vào để đo sự hiểu biết và tính cách. Cụ thể, học sinh sẽ phải thể hiện khả năng ngôn ngữ, tư duy và khả năng tiếng Anh.

Trường tiểu học Marie Curie có mức phí khoảng 9 triệu đồng tháng bao gồm: học phí và phí bán trú (5 triệu); phí ăn sáng và ăn trưa 1,6 triệu đồng; phí học tiếng Anh quốc tế 6,6 triệu đồng/kỳ; phí xe đưa đón từ 900.000-1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài các môn trọng điểm như Toán, Văn, trường Marie Curie cũng tập trung đầu tư ngoại ngữ để có đầu ra cho học sinh có thể thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết.

Cơ sở vật chất được đầu tư tốt nhưng chi phí trung bình mỗi tháng/học sinh như vậy là quá “chát” so với nhiều gia đình. Vậy nhưng, để được vào học trường này, trước hết học sinh phải trải qua bài khảo sát chất lượng đầu vào của nhà trường vào chủ nhật tuần thứ 3 và thứ 4 của tháng 4 hàng năm. Học sinh dự tuyển sẽ có 1 ngày để tham gia các hoạt động trải nghiệm, sau đó những học sinh vượt qua vòng khảo sát mới chính thức được lựa chọn.

Tương tự, Trường Phổ thông quốc tế Newton thời điểm này cũng đăng thông báo về việc tuyển sinh lớp 1 kèm học phí và các điều kiện dự tuyển. Trong đó, lớp 1 có 3 hệ đào tạo gồm: hệ bán quốc tế với mức học phí 4,3 triệu đồng/tháng; hệ Cambridge (Anh) học phí 5,7 triệu đồng/tháng và hệ song ngữ GW (Mỹ) có học phí 5,9 triệu đồng/tháng.

Nếu trở thành học sinh Trường phổ thông quốc tế Newton, học sinh còn phải đóng nhiều khoản phí khác bao gồm: tiền ăn sáng khoảng 300 nghìn đồng; xe đưa đón (nếu có nhu cầu) khoảng 1 triệu - 1, 8 triệu đồng/tháng; quỹ hỗ trợ phát triển trường 5 triệu đồng; đồng phục 1,7 triệu đồng; sách tiếng Anh nước ngoài từ 1-3,5 triệu đồng tùy hệ.

Và mỗi học sinh đăng ký dự tuyển phải đóng phí phỏng vấn từ 500 - 1 triệu đồng tùy hệ. Để tuyển sinh lớp 1, trường này cũng chọn phương án tổ chức bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Theo thông báo, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá năng lực tiếng Anh bởi giáo viên nước ngoài và thực hiện bài kiểm tra viết về tiếng Anh, Toán Việt Nam để xếp lớp phù hợp theo các hệ đào tạo.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, phải tới tháng 7/2018, các trường mới nhận hồ sơ tuyển sinh. Thời điểm này, các trường mầm non đến THCS triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung thông tin học sinh trên địa bàn để cập nhật vào hệ thống. Năm nay, các trường tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 các trường công lập.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.