Bảo vệ bị còng tay
Khuya 18-3-1990, Bảo tàng Nghệ thuật Isabella Stewart Gardner (Bảo tàng Gardner) im lìm tĩnh mịch, nhóm bảo vệ đang làm việc gồm 2 người, một người 23 tuổi là sinh viên trường nhạc, một người 25 tuổi là bảo vệ ca sáng mới được tuyển vào làm và tối đó trực thay cho đồng nghiệp ca đêm bị bệnh.
Bỗng có tín hiệu báo cháy trên tầng 3. Anh “lính mới” được cử đi xem xét, người còn lại vẫn ngồi ở phòng trực. Không lâu sau, 2 người đàn ông khoảng 30-40 tuổi mặc trang phục và phù hiệu cảnh sát Boston đến yêu cầu bảo vệ cho vào điều tra vì nghi ngờ có kẻ đột nhập bảo tàng.
Hai người đàn ông dễ dàng đi qua 2 lớp cửa bảo mật, đến thẳng phòng trực bảo vệ, hỏi han ca trực có bao nhiêu người, người kia đâu rồi, gọi xuống trình diện luôn. Anh bảo vệ răm rắp làm theo chỉ thị.
Những chiếc khung trống rỗng chờ ngày đoàn tụ với các bức tranh. |
Đột nhiên, một người đàn ông quát lên: “Này, mặt anh trông quen lắm, dường như có lệnh truy nã. Đề nghị anh bước ra trình giấy tờ”. Anh bảo vệ vội vàng ra khỏi quầy trực, vô ý rời bỏ vị trí đặt nút bấm kích hoạt hệ thống báo động của bảo tàng có kết nối với cảnh sát.
Anh trình thẻ sinh viên trường nhạc và giấy phép lái xe nhưng “cảnh sát” vẫn bắt anh úp mặt vào tường, còng tay anh lại. Anh bảo vệ còn lại cũng bị còng. Người đàn ông cười khẩy: “Tụi tao không bắt mày. Tụi tao đến ăn cướp, Khôn hồn thì đừng gây rối”. Sau đó, bọn chúng dùng băng dính trói và dán chặt 2 anh bảo vệ xuống sàn tầng hầm.
Cuỗm tuyệt tác, xóa dấu vết
Theo hồ sơ vụ án, bọn trộm vào cửa lúc 1 giờ 24 phút, trong vòng 24 phút chúng đã vô hiệu hóa nhóm bảo vệ, rồi ngang nhiên khua khoắng trong bảo tàng trong gần 1 giờ tiếp theo. Khi rút lui, chúng còn thừa thời gian xóa hết các băng ghi hình và hủy các trang giấy máy dò chuyển động đã tự động in ra.
Tuy nhiên, chúng đã bỏ sót dữ liệu trong ổ cứng hệ thống dò chuyển động, từ đó, các nhà điều tra có thể hình dung được hành động của chúng: 2 tên lên tầng hai rồi chia làm 2 cánh, một tên tiến đến Dutch Room (Phòng Hà Lan) ở đầu phía nam tòa nhà, tên kia vào Phòng Short Gallery nằm phía trên cửa chính của bảo tàng.
Trong Dutch Room, chúng lấy mất 3 trong số 4 kiệt tác của danh họa Rembrandt, bức còn lại (Chân dung tự họa) chúng bỏ qua. Dù vậy, những tác phẩm chúng đánh cắp đều là những danh tác quý giá. Trong đó có 2 tác phẩm “Bão biển Galilee” - cảnh biển duy nhất mà Rembrandt vẽ, và “Buổi hòa nhạc” - một trong số 35 bức tranh hiếm hoi của Vermeer, trị giá mỗi bức ít nhất cũng 50 triệu USD.
Trong phòng Short Gallery, chúng tách 5 bức vẽ của Edgar Degas từ 2 khung lớn. Chúng gỡ tấm biểu ngữ Napoleon treo phía trên lối vào Tapestry Room, nhưng sau một lúc đánh vật với những con vít nhỏ không được, chúng bỏ cuộc, chuyển sang gỡ phù điêu đại bàng mạ vàng trên đỉnh khung.
Các chuyên gia cho rằng bọn trộm xem phù điêu đại bàng mang ý nghĩa tượng trưng như chiếc cúp thắng lợi. Tổng cộng, chúng đã lấy đi 13 bức tranh và một số tuyệt tác nghệ thuật khác, trị giá khoảng 300 triệu USD, nếu tính theo thời giá hiện nay cỡ 500 triệu USD.
Một đi không trở lại
Dấu vết để lại cho thấy bọn trộm đã đối xử thô bạo với các tuyệt tác nghệ thuật. Bức “Buổi hòa nhạc” bị gỡ khỏi khung một cách vụng về, “Bão biển Galilee” bị cắt khỏi khung, khung gỗ bức tranh “Chez Tortoni” của Manet bị vứt chỏng chơ trên một chiếc ghế trong phòng giám sát an ninh.
Chúng mất quá nhiều thời gian vào việc tháo tấm biểu ngữ Napoleon thay vì có thể đi lấy những thứ khác, cuỗm các bức vẽ của Degas mà bỏ qua tuyệt phẩm của Michelangelo có giá trị cao hơn nhiều.
Do đó, các chuyên gia cho rằng 2 tên trộm tuy táo bạo và khéo léo nhưng có vẻ như không phải dân trộm tranh chuyên nghiệp, chúng không quan tâm chuyện tránh bị nhận diện, cũng không cẩn thận tránh làm hư hỏng những tuyệt tác mà chúng tốn công ăn cắp. Nhà điều tra cũng không loại trừ khả năng chúng chỉ lấy cắp những thứ được đặt hàng.
Trước khi mất vào năm 1924, bà Isabella Stewart Gardner đã để lại di nguyện không được thay đổi gì đáng kể trong bộ sưu tập ở bảo tàng của bà, nên sau vụ trộm, những khung tranh trống rỗng vẫn được giữ nguyên chỗ cũ. Bảo tàng Gardner đã treo thưởng 5 triệu USD cho ai trả lại tranh.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cùng với các thám tử tư do bảo tàng thuê đã lần theo hàng trăm manh mối và làm việc với hàng tá kẻ trung gian tự nhận có thể dẫn các nhà điều tra tới kho báu bị đánh cắp. Thế nhưng, cuộc điều tra đi vào ngõ cụt vì thông tin không thể kiểm chứng được hoặc là thông tin bịa đặt do hám tiền thưởng.
Công tố viên liên bang đã ra tuyên bố sẵn sàng bác bỏ mọi cáo buộc chống lại bất cứ ai giúp đưa các bức tranh trở về an toàn; hơn nữa, cũng đã quá hạn truy tố kẻ trộm. Tuy nhiên, mặc tiền thưởng cao, mặc sự đảm bảo khoan hồng từ phía nhà chức trách, những bức tranh này vẫn bặt vô âm tín.
Vụ trộm tại Bảo tàng Gardner trở thành một trong số những kỳ án lớn nhất và bí ẩn nhất trên thế giới. Và những chiếc khung trống rỗng vẫn mỏi mòn chờ ngày đoàn tụ với các bức tranh.
'Vụ trộm không tưởng' tại thủ phủ kim cương thế giới |