Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển rác thải nhựa

Ở Trung Quốc, người tiêu dùng chỉ cần bấm điện thoại rồi chờ 15-20 phút là thức ăn sẽ được giao tới tận nơi. Nhưng lượng rác thải hành động này tạo ra sẽ tồn tại hàng nghìn năm.

Di sản của nền kinh tế Internet bùng nổ tại Trung Quốc có thể sẽ không phải là những tòa nhà cao tầng hiện đại hay những khu dân cư sang trọng, mà là biển rác thải nhựa.

Theo báo New York Times, sự bùng nổ của các ứng dụng giao đồ ăn tại Trung Quốc đang tạo ra những núi rác thải nhựa, bao gồm hộp đựng đồ ăn, túi ni lông… Hệ thống xử lý rác thải của Trung Quốc không đủ sức theo kịp tốc độ tăng chóng mặt của lượng rác xả ra môi trường.

Phần lớn lượng rác thải nhựa này bị đem chôn hoặc đốt. Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính ngành công nghiệp giao đồ ăn trực tuyến đã xả ra môi trường nước này tới 1,6 triệu tấn rác vào năm 2017, tăng 900% so với 2 năm trước đó.

Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển rác thải nhựa - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp giao đồ ăn trực tuyến đang xả ra môi trường Trung Quốc hàng triệu tấn rác thải nhựa. Ảnh: NYT.

Trong đó, phải kể đến 1,2 triệu tấn hộp đựng thức ăn nhựa 175.000 tấn đũa dùng một lần, 164.000 tấn túi ni lông và 44.000 tấn muỗng (thìa) nhựa. Con số của năm 2018 tăng vọt lên 2 triệu tấn và rất có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm 2019.

Gọi đồ ăn quá dễ dàng và nhanh chóng

New York Times cho biết trên thực tế, trung bình mỗi người dân Trung Quốc vẫn xả rác thải nhựa ít hơn người Mỹ. Tuy nhiên gần 3/4 lượng rác thải nhựa Trung Quốc bị xả ra các bãi rác lộ thiên không được quản lý chặt chẽ.

Do đó, rác thải nhựa ở Trung Quốc rất dễ “lưu lạc” ra ngoài biển. Nghiên cứu cho thấy lượng rác thải trôi ra biển ở Trung Quốc lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, khoảng 25%. Ở biển, rác thải nhựa có thể tồn tại trong rất nhiều thế kỷ trước khi bị phân hủy.

Ước tính Trung Quốc tái chế khoảng 1/4 lượng rác thải nhựa so với tỷ lệ chưa tới 10% tại Mỹ. Tuy nhiên tại quốc gia tỷ dân, hộp đựng đồ ăn không được tái chế. Bởi người thu mua phải rửa chúng trước. Và mỗi hộp đồ ăn này đều rất nhẹ, do đó rất tốn thời gian thu mua đủ khối lượng cần thiết để đem bán cho các cơ sở tái chế.

“Mỗi lần gom hộp đựng đồ ăn là mất cả nửa ngày mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Không đáng để làm”, New York Times dẫn lời ông Ren Yong, 40 tuổi, một người gom rác ở Thượng Hải. Ông cho biết thường vứt các hộp đựng đồ ăn đi.

Trong thời đại Internet, thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc đang có những thay đổi lớn. Cư dân thành thị vốn bận bịu, không có thời gian nấu nướng hoặc đi nhà hàng, lại càng “lười biếng” khi có thể gọi đồ ăn dễ dàng qua những ứng dụng như Meituan hay Ele.me.

Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển rác thải nhựa - Ảnh 2.

Nhân viên giao đồ ăn nhanh của Meituan và Ele.me đứng chờ bên ngoài một tòa nhà văn phòng ở Thâm Quyến. Ảnh: NYT.

Các ứng dụng này càng thu hút nhiều khác hàng nhờ những đợt khuyến mại hấp dẫn. Yuan Ruqian, 27 tuổi, sống ở Thượng Hải, hiểu rằng đó không phải là hành vi tiêu dùng có lợi cho môi trường. Nhưng giờ cô không thể sống thiếu các ứng dụng giao đồ ăn.

Có lần cô thèm ăn kem, nhưng cửa hàng kem Dippin’ Dots mới ở cách nhà cô quá xa. Ăn trưa tại các nhà hàng gần văn phòng thì đắt đỏ. Do đó, cô đặt đồ ăn trưa qua mạng hàng ngày. Khi được hỏi về lượng rác thải nhựa bản thân xả ra, Yuan thở dài: “Sự lười biếng là gốc rễ của mọi vấn đề”.

Những con sông đầy nhựa

Meituan cho biết đã giao 6,4 tỷ đơn hàng thức ăn vào năm 2018, tăng gần 60% so với năm 2017. Tổng số đơn hàng này trị giá 42 tỷ USD, có nghĩa là mỗi đơn hàng tốn trung bình 6,5. USD. Số tiền này đủ để chi trả cho một bữa trưa tươm tất ở một thành phố lớn tại Trung Quốc.

Hãng Ele.me không tiết lộ con số cụ thể như Meituan, nhưng cũng được sử dụng phổ biến tại các thành phố lớn. Theo thống kê của iSearch, tổng số đơn hàng giao thức ăn tại Trung Quốc vào năm 2018 lên tới 70 tỷ USD.

Để so sánh, ngành công nghiệp giao đồ ăn trực tuyến tại Mỹ dự kiến đạt 19 tỷ USD trong năm nay, theo nghiên cứu của Statista. Ứng dụng Uber Eats giao lượng đơn hàng 7,9 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2018.

Còn doanh số GrubHub đạt 5,1 tỷ USD. Hãng giao 159 triệu đơn hàng đồ ăn trong năm 2018, giá trị mỗi đơn hàng trung bình lên đến 32 USD.

Ứng dụng giao đồ ăn nhấn chìm Trung Quốc trong biển rác thải nhựa - Ảnh 3.

Người thu gom rác tái chế ở Trung Quốc rất ngại thu gom hộp nhựa đựng thức ăn. Ảnh: NYT.

Sự phát triển quá nóng tại Trung Quốc dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường. Các nhà khoa học ước tính rằng sông Trường Giang đưa 367.000 tấn mảnh vụn nhựa ra biển vào năm 2015, gấp đôi sông Hằng ở Ấn Độ và Bangladesh. Các dòng sông gây ô nhiễm thứ ba và thứ tư trên thế giới cũng đều nằm ở Trung Quốc.

Ngoài ra, các ứng dụng giao đồ ăn cũng gián tiếp khuyến khích nhà hàng sử dụng hộp và túi nhựa. Nhiều nhà hàng hợp tác với Meituan và Ele.me tại Trung Quốc thừa nhận hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc đáng kể vào xếp hạng của khách hàng. Do đó, họ phải sử dụng hộp và bao bì nhựa dày để bảo quản đồ ăn cẩn thận.

Meituan cho biết quyết tâm giảm tác động môi trường của hoạt động giao thức ăn. Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba - công ty mẹ của Ele.me - từ chối trả lời các câu hỏi của New York Times.

Người Mỹ chi 18.000 USD mỗi năm cho những điều không cần thiết

Công ty bảo hiểm nhân thọ Ladder vừa công bố thông tin mỗi năm người Mỹ tiêu 18.000 USD cho những thứ không cần thiết như ăn nhà hàng, bia rượu, đồ ăn nhanh hay dịch vụ trực tuyến.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.