Ứng dụng gọi xe viApp xuất hiện giữa lúc chuyển giao GoViet - Gojek

Ứng dụng gọi xe viApp chọn màu tím trên ứng dụng dành cho tài xế, và đang rục rịch triển khai ra thị trường.

viApp - ứng dụng mới trên thị trường gọi xe công nghệ

Cuối tháng 6/2020, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam chào đón thêm một cái tên mới là GV Asia. Hãng xe này đã tổ chức họp báo ra mắt và tuyên bố việc ngay lập tức triển khai 12 dịch vụ với số lượng khách hàng đã dùng ứng dụng lên đến 2,7 triệu.

Khi mà những thông tin về GV Asia vẫn chưa kịp "nguội", làng gọi xe công nghệ lại chuẩn bị háo hức đón chào một cái tên mới: viApp. Đây có thể coi là một ứng dụng thuần Việt khi nhóm sáng lập đều là người Việt Nam. Ứng dụng chọn màu chủ đạo là màu tím, giống một ứng dụng gọi xe khác chưa tạo được điểm nhấn trên thị trường là ZuumViet.

Thêm ứng dụng gọi xe viApp xuất hiện giữa lúc chuyển giao GoViet - Gojek - Ảnh 1.

Logo của ứng dụng viApp. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo chia sẻ của đội nhóm phát triển ứng dụng, tài xế đã bắt đầu có thể tải viApp trên kho ứng dụng CH Play và Apps Store, cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Bản dành cho khách hàng sẽ xuất vào ngày ứng dụng chính thức ra mắt. Tuy nhiên, những nhà sáng lập vẫn chưa công bố thời điểm chính xác này mà chỉ tiết lộ những thông tin hết sức nhỏ giọt.

Nhóm cộng đồng viApp trên mạng xã hội được tạo từ thời điểm giữa tháng 6 và vẫn chưa mở rộng rãi cho người dùng vào. Ứng dụng trên CH Play cũng chưa có nhiều lượt tải xuống. Theo chia sẻ từ một thành viên nhóm phát triển, ứng dụng sẽ công bố giá cước vào ngày 12/7 tới.

Sau khi tải ứng dụng, tài xế đã có thể tải các giấy tờ, thông tin cá nhân lên trên ứng dụng. Nhóm sáng lập cho biết tài xế không cần làm việc trực tiếp mà chỉ cần gửi lên các giấy tờ, đầy đủ sẽ được kích hoạt tài khoản. 

Nếu như nhóm sáng lập có thể đảm bảo điều này, chứng minh rằng họ đang nắm giữ những công nghệ lõi rất cao khi các hãng gọi xe khác vẫn cần tài xế xuất hiện tại trụ sở văn phòng để làm việc (đào tạo, kí kết...) trước khi cho phép chính thức trở thành đối tác.

Thêm ứng dụng gọi xe viApp xuất hiện giữa lúc chuyển giao GoViet - Gojek - Ảnh 2.

Dấu chứng nhận của Bộ Công thương trên website một số ứng dụng như Grab, GoViet hay Be. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngoài ra, phía viApp khẳng định ứng dụng đã được cấp phép bởi Bộ Công thương. Tuy nhiên khi lên website của công ty tại viapp.vn, ở phía dưới cùng vẫn chưa có dấu chứng nhận của Bộ Công thương giống như Grab, Be hay GoViet. Không rõ đây là sự thiếu sót trong khâu thiết kế website hoặc cũng có thể viApp chưa được Bộ chứng nhận?

Sự khắc nghiệt của thị trường gọi xe

"viApp không đặt mục tiêu cạnh tranh với bất cứ ứng dụng gọi xe nào nên các mọi người đừng so sánh. Đây là sự cố gắng của một số ace gắn bó với nghề công nghệ và hiểu về thị trường gọi xe công nghệ để triển khai một nền tảng mà nơi đó các tài xế công nghệ có thêm thu nhập", nhóm sáng lập chia sẻ.

Mọi hãng gọi xe mới trên thị trường đều nói rằng "không muốn cạnh tranh với bất kì ai". 

Tuy nhiên, để phát triển mạnh và hoàn tất được sứ mệnh ban đầu đặt ra, chắc chắn những cái tên mới buộc phải tìm cách để chiếm lĩnh thị phần. Hãng lựa chọn đốt tiền vào khuyến mại và truyền thông, hãng quyết định không thu chiết khấu của tài xế. Để có chỗ đứng, viApp buộc phải có những sự khác biệt nhất định.

Thêm ứng dụng gọi xe viApp xuất hiện giữa lúc chuyển giao GoViet - Gojek - Ảnh 3.

Những thông tin về ứng dụng viApp vẫn rất nhỏ giọt. Ảnh: Chụp màn hình.

Cũng theo nhóm sáng lập, viApp sẽ phát cuốc 1-1 cho người gần nhất. Điều này tương đối khác với một số hãng gọi xe khác khi phát cuốc cho một nhóm tài xế gần đó, ai nhanh tay nhất sẽ nhận cuốc.

Ngoài ra, khâu thanh toán cũng là một trong những yếu tố tác động đến quyết định sử dụng dịch vụ của khách hàng. Hiện tại viApp hỗ trợ thanh toán tiền mặt và phi tiền mặt (qua ví Momo hoặc ví viCredit). "Momo sẽ có thêm một lượng khách hàng nhất định sau khi bắt tay với viApp", nhóm sáng lập thổ lộ.

Dù mức giá chưa tiết lộ nhưng theo anh Vinh, một thành viên của nhóm sáng lập, viApp sẽ có giá "ngon nhất" so với mặt bằng chung.

Cơ hội nào cho viApp

Với một startup, nếu chỉ phụ thuộc vào nhóm sáng lập mà không gọi vốn để mở rộng hoạt động là vô cùng khó khăn. Hiện tại không rõ đâu là các nhà đầu tư đứng đằng sau viApp. 

Grab Việt Nam và GoViet (sắp tới là Gojek Việt Nam) đều nhận sự đầu tư rất lớn về tiền và công nghệ từ kì lân nước ngoài. Trong khi đó thời điểm ra mắt, Be cũng có một đối tác chiến lược là VP Bank. Một ứng dụng khác là FastGo hiện đã "lấn sân" ra nước ngoài cũng trực thuộc NextTech và được hỗ trợ nhiều từ hệ sinh thái công nghệ của tập đoàn này.

Nhìn lại thời điểm sau khi Grab thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á, rất nhiều ứng dụng gọi xe xuất hiện. Tuy nhiên những ứng dụng "tự sinh tự diệt" mà không có một đối tác hỗ trợ rõ ràng đều đang lay lắt sống và thậm chí là "chết" (ZuumViet, MixGo...).

Thêm ứng dụng gọi xe viApp xuất hiện giữa lúc chuyển giao GoViet - Gojek - Ảnh 4.

Ứng dụng viApp ra mắt trong bối cảnh chuyển giao GoViet - Gojek. Ảnh: GoViet.

Những lợi thế của viApp vẫn chưa thật sự rõ ràng. Về mức giá, nếu như đủ thấp để thu hút khách hàng thì sẽ không thể lôi kéo đủ một lượng tài xế. Khi không có một lượng tài xế đủ lớn, ngay cả việc phát cuốc 1-1 cũng khiến tài xế phải đi rất xa để đón khách trong một số trường hợp.

Theo tuyên bố, viService (công ty chủ quản viApp) sẽ công bố giá cước vào hôm 12/7 tới. Sau thời điểm đó, mọi chuyện sẽ rất rõ ràng. Đây là thời điểm thị trường gọi xe công nghệ tương đối xáo trộn sau sự hợp nhất của GoViet với công ty mẹ Gojek. Nếu thu hút tốt một lượng tài xế trong thời điểm xáo trộn, viApp sẽ có những bước chạy đà tốt trước khi bước vào cuộc đua đường trường trên thị trường cực kì khốc liệt này.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.