Vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna khác nhau ra sao?

Hai hãng dược lớn là Pfizer và Moderna đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19 và kết quả sơ bộ từ thử nghiệm giai đoạn ba đều rất hứa hẹn, với hiệu quả trên 90%.

Hôm 16/11, Moderna cho biết kết quả sơ bộ từ thử nghiệm giai đoạn ba cho thấy vắc xin Covid-19 của hãng có khả năng phòng bệnh lên tới 94,5%. 

Trước Moderna, Pfizer và đối tác BioNTech cũng đã thông báo kết quả thử nghiệm vắc xin khá khả quan. Theo hai công ty này, vắc xin của họ có hiệu quả phòng bệnh hơn 90%.

Hai vắc xin tiềm năng trên đều ghi nhận kết quả thử nghiệm tích cực, song giữa chúng có tồn tại khác biệt nào hay không? Để giải đáp thắc mắc của công chúng, Barron'sUSA Today đã tiến hành phân tích như sau:

Vắc xin COVID-19 của Pfizer và Moderna khác nhau ra sao? - Ảnh 1.

(Đồ hoạ: Alex Chu).

Hiệu quả của vắc xin

Trước tiên, Barron's nhận định sự khác biệt giữa hiệu quả của hai vắc xin có thể không lớn như chúng ta lầm tưởng từ số liệu thống kê. Nhìn chung, hai kết quả thử nghiệm đều khá ấn tượng.

Cả hai thử nghiệm đều được tiến hành trên qui mô lớn và có giá trị về mặt số liệu. Pfizer và BioNTech cho biết tính đến tuần trước, gần 39.000 tình nguyện viên đã tiêm mũi vắc xin thứ hai. Trong khi tính đến ngày 22/10, Moderna đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin thử nghiệm cho 30.000 tình nguyện viên.

Tuy nhiên, nhà phân tích Steven Seedhouse của ngân hàng đầu tư Raymond James cho hay lịch tiêm chủng của hai vắc xin hơi khác nhau một chút.

Cụ thể, Pfizer tiêm mũi thứ hai cho tình nguyện viên sau 21 ngày và đo lường hiệu quả 7 ngày sau mũi tiêm tăng cường đó. Còn các mũi tiêm của Moderna cách nhau 28 ngày và sau 14 ngày, hãng mới tiến hành xét nghiệm. Do đó, các tình nguyện viên của Moderna có thêm 14 ngày để hình thành miễn dịch trước khi được xét nghiệm Covid-19.

"Hiệu quả của hai vắc xin là như nhau", ông Seedhouse nhận định. Song, nhà phân tích của Raymond James cũng cho biết mọi thông tin sẽ rõ ràng hơn khi hai thử nghiệm báo cáo kết quả chi tiết trên trên các tạp chí y khoa.

USA Today đưa kết quả thử nghiệm chi tiết hơn. Trong 39.000 tình nguyện viên của Pfizer, một nửa nhận giả dược (placebo) và một nửa nhận vắc xin thật. Cuối cùng, 94 tình nguyện viên nhiễm Covid-19 và phần đông đều là người tiêm giả dược.

Pfizer và BioNTech sẽ kiểm tra hiệu quả của vắc xin lần cuối thông qua phân tích tổng cộng 164 ca bệnh trong thử nghiệm giai đoạn ba. Sau đó, hãng sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA).

Moderna không nêu rõ bao nhiêu tình nguyện viên trong 30.000 người tham gia thử nghiệm của họ nhận giả dược/vắc xin thật. Kết quả mới nhất cho thấy 95 tình nguyện viên nhiễm Covid-19, trong đó có 90 người nhận giả dược. Đáng chú ý, 11 người (toàn bộ đều tiêm giả dược) đã phát triển các triệu chứng bệnh "nghiêm trọng".

Moderna sẽ kiểm tra tính hiệu quả của vắc xin lần cuối qua việc phân tích 151 bệnh nhân Covid-19 trong thử nghiệm giai đoạn ba. Nếu không có sai sót nào, công ty dược này có thể chắc chắn 90% phát hiện của họ là đúng.

Tác dụng phụ của vắc xin

Theo USA Today, cả hai ứng viên vắc xin đều báo cáo tác dụng phụ ở mức nhẹ hoặc trung bình, chủ yếu là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi và đau nhức cơ và khớp xương trong một hoặc hai ngày.

Giáo sư, bác sĩ William Schaffner của Trường Y khoa, Đại học Vanderbilt cho hay: "Đau tay hay cảm thấy mệt mỏi trong một hoặc hai ngày còn tốt hơn nhiều so với nhiễm Covid-19".

Pfizer không đề cập chi tiết đến vấn đề an toàn trong thông báo của hãng. Song Moderna nêu rõ hơn: không có tác dụng phụ nghiêm trọng, cơn đau nhức chủ yếu xuất hiện ở người nhận vắc xin (chiếm 4-9% tổng số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm).

Lưu trữ và phân phối

Có một sự khác biệt lớn về các yêu cầu lưu trữ và phân phối hai ứng viên vắc xin. Để bảo quản vắc xin của Pfizer trong thời gian dài, chúng ta phải bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ -70 độ C, tức là cần các tủ đông vốn thường xuất hiện trong phòng thí nghiệm và bệnh viện.

Vắc xin của Moderna có thể bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C của tủ đông thông thường. Trong khi vắc xin của Pfizer chỉ giữ được 5 ngày trong tủ lạnh của văn phòng bác sĩ hoặc hiệu thuốc thì Moderna cho biết vắc xin của họ có thể giữ được đến 30 ngày trong tủ lạnh thường.

Trước đây, Pfizer cho biết họ không nhận thấy trở ngại nào trong vấn đề phân phối vắc xin. Song, hôm 16/11, hãng dược này đã bắt đầu thí điểm phân phối và tiêm chủng vắc xin ở 4 bang của nước Mỹ để tìm hướng giải quyết các khó khăn ở khâu vận chuyển.

Bi quan hơn, hãng tin Bloomberg còn nhận định vắc xin của Pfizer khó đến tay các nước nghèo vì yêu cầu bảo quản siêu lạnh và phân phối phức tạp. Thậm chí, ở các nước phát triển thì có khi chỉ người dân thành thị mới có thể tiếp cận được vắc xin của Pfizer.

Sản xuất và giá thành

Về sản xuất, Pfizer và BioNTech đã và đang xây dựng cơ sở ở nhiều nơi. Tại Mỹ, Pfizer dự kiến sẽ sản xuất 50 triệu liều vào cuối năm nay, sau đó là 1,3 tỉ liều vào năm 2021. Tại Trung Quốc, BioNTech đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai với đối tác Fosun Pharma.

Trong khi đó, Moderna cho biết họ có thể sản xuất 20 triệu liều cho Mỹ trong năm nay và 500 triệu - một tỉ liều trong năm tới. Ở châu Âu, Moderna đã hợp tác với Lonza Group và Laboratorios Farmacéuticos Rovi để sản xuất vắc xin.

Ca hai vắc xin này đều gồm hai mũi, nên số lượng người được tiêm chủng sẽ bằng một nửa số liều mà các hãng sản xuất được.

Tại Mỹ, chính phủ liên bang sẽ đài thọ chi phí vắc xin nhưng chi phí quản lí vắc xin thì chưa rõ. Pfizer đã kí hợp đồng cung ứng 100 triệu liều vắc cho chính phủ Mỹ với giá 19,5 tỉ USD. Theo hợp đồng đó, Pfizer định giá vắc xin của hãng ở mức 19,5 USD/liều.

Trong hợp đồng với chính phủ liên bang, Moderna bán một liều vắc xin với giá 25 USD. Hãng này mong muốn sẽ cung ứng vắc xin cho chính phủ các nước khác ở mức hơn 30 USD/liều.

chọn
Nhiều ông lớn cập bến Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận lần lượt đón các doanh nghiệp bất động sản lớn tìm về đầu tư như Ecopark, Hà Đô, T&T, Hoàng Quân...