Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh một lần nữa lại leo thang sau khi chính quyền ông Trump ra lệnh cấm TikTok và cố buộc ứng dụng này phải bán mình cho Microsoft.
Dù số phận của TikTok vẫn còn nhiều bấp bênh, điều duy nhất có thể nói chắc là TikTok sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để đoạt ngôi vương công nghệ. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng kêu gọi gỡ bỏ các ứng dụng "không đáng tin" của Trung Quốc khỏi cửa hàng ứng dụng Google và Apple.
Theo South China Morning Post (SCMP), những động thái trên có thể khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng rạn nứt, cuối cùng đẫn tới việc chia tách hoàn toàn. Trong số những lĩnh vực mà khoảng cách giữa hai nền kinh tế ngày càng nới rộng, công nghệ và chuỗi cung ứng có tầm quan trọng nhất đối với sự phát triển lâu dài của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp từng bị thu hút bởi chi phí sản xuất thấp của Trung Quốc sẽ chuyển hướng chuỗi cung ứng sang những địa điểm rẻ hơn. Theo thời gian, lợi thế chi phí của Trung Quốc đã bị bào mòn bởi chi phí tiền lương và mặt bằng gia tăng và thuế quan tăng lên.
Ngược lại, những doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc ít có khả năng rút lui. Các khảo sát gần đây của phòng thương mại Mỹ và châu Âu cho thấy đa số doanh nghiệp được hỏi không có ý định rời bỏ Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại và cú sốc kinh tế Covid-19.
Đối với nhóm doanh nghiệp đến Trung Quốc để tận dụng hệ sinh thái sản xuất toàn diện, việc đi hay ở là vấn đề nan giải hơn. Một mặt, các lí do để ở lại vẫn vững vàng như trước: cơ sở hạ tầng, mạng lưới logistic và nguồn cung lao động có tay nghề tại Trung Quốc vẫn vượt trội hơn hẳn những nền kinh tế mới nổi.
Mặt khác, những lợi ích này giờ cần phải được đặt lên bàn cân với thuế quan cao, các lệnh trừng phạt tiềm năng, hạn chế công nghệ và áp lực chính trị ngày càng nặng nề.
Đối với hầu hết doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng không phải là lựa chọn một trong hai giữa việc đi hay ở. Quyết định thực tiễn sẽ nằm đâu đó giữa việc rút lui hoàn toàn khỏi Trung Quốc và duy trì trạng thái hiện tại. Ngoài ra, những thay đổi trong thực tiễn sẽ còn tùy thuộc vào từng ngành.
Dưới đây là những dự đoán của SCMP:
Thứ nhất, ngành thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) nhiều khả năng sẽ chứng kiến các thay đổi sâu sắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Covid-19 đã làm lộ rõ điểm yếu của những quốc gia giao việc sản xuất PPE cho các nhà cung ứng nước ngoài, đánh đổi sự an toàn lấy tính thuận tiện.
Vị thế là nhà sản xuất PPE lớn nhất thế giới của Trung Quốc sẽ lung lay do các khách hàng lớn nhất là Mỹ và châu Âu trở nên cảnh giác hơn với rủi ro an ninh quốc gia.
Thứ hai, ngành công nghệ cũng dễ phải thay đổi khi cuộc chiến công nghệ toàn cầu bùng nổ, đặc biệt là do sự chia tách giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chuỗi cung ứng được xây dựng xung quanh những công nghệ như 5G có thể bị tổn thương nếu thế giới có nhiều tiêu chuẩn kĩ thuật khác nhau và các mạng lưới không tương thích.
Dự đoán cuối cùng liên quan đến thời gian: nếu không có áp lực chính trị mạnh mẽ, quá trình định hình lại chuỗi cung ứng có thể diễn ra chậm chạp.
Covid-19 đã làm suy yếu niềm tin kinh doanh và khiến doanh nghiệp toàn cầu bớt sẵn lòng đầu tư hơn trước. Với việc Trung Quốc dẫn đầu thế giới về việc nối lại sản xuất, bây giờ không phải là thời điểm tốt nhất để các công ty đa quốc gia chuyển hướng chuỗi cung ứng sang nơi khác.
Bên cạnh đó, cải cách từ phía Trung Quốc có thể khiến việc rời bỏ quốc gia này đắt đỏ hơn. Gần đây, Bắc Kinh đã nới lỏng hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đẩy nhanh tự do hóa khu vực tài chính nhằm giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ tiếp cận thị trường nội địa hơn.
Động thái mới của Bắc Kinh sẽ không ngăn chặn hoàn toàn những biến đổi trong chuỗi cung ứng nhưng có thể làm chậm quá trình doanh nghiệp nước ngoài chuyển đi. Trung Quốc có các biện pháp để quán lí tốc độ và qui mô của sự xáo trộn bằng cách đẩy nhanh những cải cách cần thiết.
Nếu làm đúng, Trung Quốc vẫn có thể duy trì một số ảnh hưởng đối với các chuỗi cung ứng rời khỏi nước này, bằng cách nhắm đến "sản xuất quanh Trung Quốc" thay vì "sản xuất tại Trung Quốc".