Theo báo cáo chiến lược tháng 10/2020 của CTCK Rồng Việt (VDSC), một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang EU cho thấy hiệu quả tích cực từ thỏa thuận thương mại.
Vào tháng 8 năm 2020, xuất khẩu sang 28 quốc gia trong khối EU đạt 3,8 tỉ USD so với mức trung bình 3,2 tỉ USD trong 7 tháng năm 2020 và 3,5 tỉ USD vào tháng 7 năm 2020.
Ngoài ra, có hơn 7.200 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) là EUR.1 được cấp với kim ngạch xuất khẩu trị giá 277 triệu USD, khoảng 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU vào tháng 8 năm 2020. Các mặt hàng chủ lực đã được cấp C/O bao gồm giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, bao bì và rau quả.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến EU nên tác động tích cực từ EVFTA không tốt như mong đợi. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm 9,4% so với cùng kì.
Mặc dù trước đó, theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), EVFTA dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020.
Bộ KH&ĐT cũng kì vọng EVFTA sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ chốt như da giày, dệt may, nông nghiệp và đồ gỗ.
"Chúng tôi cho rằng vẫn còn sớm để xem xét tác động của EVFTA đối với từng ngành. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một số tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp như thủy sản, gạo, rau quả, cà phê và ngành công nghiệp điện tử trong khi các ngành khác như dệt may, da giày tiếp tục chịu áp lực do nhu cầu yếu trong bối cảnh đại dịch", báo cáo của VDSC cho biết.
Theo một báo cáo phân tích mới nhất của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 5/2020, tác động trực tiếp của EVFTA đến GDP và thương mại lớn hơn so với các hiệp định FTA khác.
Cụ thể, GDP của Việt Nam có thể tăng tới 2,4% trong khuôn khổ EVFTA vào năm 2030. Tổng xuất khẩu có thể tăng 12,2% vào năm 2030 so với kịch bản khi EVFTA chưa được áp dụng.
Tuy nhiên, những ước tính này thận trọng hơn so với đánh giá của Bộ KH&ĐT, dự kiến EVFTA sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên 44,4% vào năm 2030 và tăng GDP lên 2,2 - 3,3% trong giai đoạn 2020 - 2025, tiếp theo là 4,6 - 5,3% trong năm 2025 - 2030.
VDSC cho rằng tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế EU. Sau khi nới lỏng các lệnh phong tỏa, nền kinh tế EU đã dần phục hồi.
Tuy nhiên, sự phục hồi có thể chậm theo hình chữ U hơn là triển vọng phục hồi nhanh theo hình chữ V.
Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu tháng 7/2020), nền kinh tế EU được dự báo sẽ giảm 8,3% vào năm 2020 và tăng trưởng 5,8% vào năm 2021.
"Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, tác động tích cực của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam có thể bị cản trở bởi đại dịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng những lợi ích mà EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam là đáng kể trong dài hạn," VDSC nhận định.