Tới Trại giam Thanh Xuân vào một ngày đầu năm 2017, chúng tôi đã gặp phạm nhân Hoàng Thị Phúc, sinh năm 1990, quê ở thị trấn Hát Lót, Mai Châu, Sơn La.
Đây là cô gái có tinh thần cải tạo tốt. Bên cạnh đó, Phúc có giọng hát hay, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ nên cô thường xuyên được tham gia các buổi liên hoan văn nghệ tại trại giam.
Nhìn dáng người cao, gương mặt ưa nhìn, cùng các nói chuyện thân thiện của Phúc khiến chúng tôi không khỏi tò mò về lý do cô gái này đi vào con đường phạm tội.
Phúc kể, cô là con út trong gia đình có 4 chị em ở thị trấn Hát Lót, Mai Châu, Sơn La. Bố mẹ làm kinh doanh, dù không giàu có nhưng cũng đủ để nuôi chị em Phúc nên người. Bản thân Phúc cũng được gia đình cho ăn học đến nơi, đến chốn.
Sau khi học hết phổ thông, Phúc thi đỗ trường Cao đẳng sư phạm Sơn La rồi về giảng dạy trong một trường tiểu học gần nhà. Thế nhưng, chỉ ba tháng sau thời điểm trở thành cô giáo, Phúc bị bắt trong sự đau buồn của bố mẹ và người thân.
Phạm nhân Hoàng Thị Phúc. Ảnh: Long Minh |
Phúc vẫn còn nhớ như in ngày cô phải đưa hai tay vào còng số 8 của cảnh sát, đó là ngày 15/4/2012. Thời điểm này, Phúc cùng một người đàn ông tên Nguyễn Văn Q. (sinh năm 1987) đem theo một túi xách bên trong có 16 túi hồng phiến và 6 gam ma túy đá đi tới một quán nước trên địa bàn thị trấn Hát Lót để “giao hàng”.
“Tới quán nước, anh Q. để lại túi xách chứa ma túy rồi bảo em chờ và lái xe đi khỏi quán. Khoảng 5 phút sau, anh Q. quay lại cùng một người đàn ông khác. Khi anh Q. giao hàng cho người đàn ông vừa dẫn đến thì cảnh sát mặc thường phục ập tới bắt giữ,” Phúc kể.
Vài tháng sau, vụ án được đưa ra xét xử, Hoàng Thị Phúc bị tuyên án 15 năm tù giam. Vậy là, trong khi bạn bè cùng trang lứa đang ở ngoài hưởng thụ những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ thì Phúc phải trả giá cho những sai lầm của bản thân.
Phúc cho hay, tất cả là do sự ngông cuồng của tuổi trẻ, không nghe lời dạy bảo của bố mẹ. Ngay từ thời học phổ thông, Phúc quan niệm "học ra học, chơi ra chơi". Chính vì thế, dù ngồi trên ghế nhà trường nhưng Phúc đã quen biết với nhiều bậc “đàn anh” trong thị trấn dù biết những người này thuộc thành phất bất hảo ở địa phương, có người sử dụng và mua bán ma túy.
Nhờ việc làm trái pháp luật mà những “đàn anh” này lắm tiền, nhiều của. Họ sẵn sàng chi tiền cho những chuyến đi chơi hoặc mọi cuộc ăn nhậu đắt đỏ. Vậy là họ trở thành những đàn anh “ga lăng” trong mắt Phúc.
Phúc vẫn duy trì những mối quan hệ như vậy sau khi xa gia đình xuống thành phố Sơn La học cao đẳng. Thỉnh thoảng, cô gái lại dẫn một số anh chị "xăm trổ đầy mình" về nhà chơi.
Thấy con gái ngày càng thay đổi, bố mẹ Phúc đã hết lời can ngăn, khuyên giải nhưng cô gái mới lớn khi đó đã bỏ ngoài tai. “Gần mực thì đen”, chơi với các thành phần bất hảo lâu ngày, Phúc ngày càng ham vui, cứng đầu rồi đi vào con đường phạm tội.
“Khi đó em tuổi còn trẻ, thích thể hiện bản thân. Em chơi với các đàn anh như vậy vì nghĩ họ ga lăng, có bản lĩnh. Bố mẹ em cũng khuyên ngăn, bảo con là chọn bạn mà chơi nhưng em không nghe lời. Em từng bảo bố mẹ rằng, bố mẹ cứ mặc con, con lớn rồi nên đủ để biết con chơi với ai và chơi thế nào là đúng. Tới khi bị bắt, ngồi trong trại giam em mới nhận ra, tất cả những suy nghĩ khi đó của em là hoàn toàn sai lầm,” Phúc chia sẻ.
Phúc cho biết thêm, những người “xăm trổ đầy mình” mà cô vẫn gọi là “đàn anh” khi xưa nay cũng “đã đi trại hết” và chủ yếu “đi trại” tội liên quan đến ma túy.
Những ngày cải tạo trong trại giam, mỗi khi nhớ lại những lỗi lầm khi xưa, Phúc lại khóc nghẹn vì ân hận. Cô ân hận vì đã lầm đường, lạc lối, bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của bố mẹ.
"Giá như ngày đó, em nghe lời bố mẹ thì đã không phải trải qua tuổi trẻ của mình ở trại giam. Nhưng dù sao, đó cũng là hình phạt thích đáng cho những sai lầm của bản thân. Em chỉ mong sao, các bạn trẻ sau này đừng bao giờ đi vào vết xe đổ của em," Phúc nói.
Cũng may, gia đình chưa bao giờ từ bỏ Phúc. Cứ ba tháng một lần, bố mẹ của Phúc lại từ Sơn La xuống Trại giam Thanh Xuân để thăm con. Mỗi lần gặp bố mẹ, Phúc chỉ biết khóc mà xin lỗi.
Theo án phạt, 10 năm nữa Phúc mới có thể mãn hạn tù và trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đó là khoảng thời gian không ngắn, nhưng không phải là quá dài để cô gái mới 27 tuổi này làm lại cuộc đời.
"Em không còn mong muốn gì hơn là cải tạo thật tốt và chờ đợi tới ngày về với gia đình. Khi đó, em sẽ làm lại cuộc đời, sẽ chăm sóc bố mẹ và không bao giờ để bố mẹ phải đau buồn vì mình nữa," cô gái 9x mơ về ngày tự do.