Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa và các doanh nghiệp tung các gói kích cầu sau giãn cách xã hội lượng khách đến Khánh Hòa tăng mạnh.
Trong tháng 7, Khánh Hòa đã đón khoảng 150.000 lượt khách lưu trú, tăng hơn 3,5 lần so với tháng 6. Các doanh nghiệp phấn khởi khi ngành du lịch đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, nhiều tour đến Nha Trang – Khánh Hòa đã hủy dù địa phương này vẫn là điểm đến an toàn với nhiều biện pháp được kích hoạt và duy trì trước đó.
Lãnh đạo I-resort Nha Trang cho biết, trước khi Đà Nẵng có người bị nhiễm Covid-19, mỗi ngày I-resort Nha Trang đón khoảng 1.800 – 2.000 lượt khách, tuy nhiên hiện này chỉ từ 1.000 -1.200 khách ngày. Nhiều đoàn cũng thông báo hủy các tour trong tháng 8.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Viet Promotion, một trong những đơn vị có nhiều hoạt động tích cực để tung ra thị trường các gói kích cầu cho biết, hiện gần 80% tour đăng kí trong giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã được khách báo hủy tour.
Theo ông Nguyên, các đoàn đăng kí đến Nha Trang không lo ngại việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại địa phương nhưng lo ngại trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không, tàu hỏa có khả năng lây nhiễm nên đã hủy tour.
Ông Trần Minh Đức, Phó GĐ Công ty CP DL Long Phú cho biết, Đà Nẵng là top 1 đón khách nội địa nên tâm lí người dân sợ bị lây nhiễm từ những du khách trở về từ Đà Nẵng là rất cao. Vì vậy, dù Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến an toàn vẫn có các đoàn hủy tour.
"Hiện có khoảng 60% tour đăng kí trong tháng 8 đã bị hủy. Đây là điều hết sức khó khăn với doanh nghiệp vì khi để lên tour trong một đoàn doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí mà doanh nghiệp không thể tính toán với khách hàng", ông Đức cho biết.
Theo các doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang – Khánh Hòa, đối với các trường hợp hủy tour đã chỉ đạo nhân viên giải quyết theo mong muốn của khách, trong đó khuyến khích khách lùi thời gian đi tour, vận dụng tất cả chính sách để hạn chế tối đa thiệt hại cho khách hàng hủy tour.
Riêng các đoàn di chuyển bằng đường hàng thì chưa thể trả lại khoản phí này vì Chính phủ chưa công bố.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho biết mong muốn được khách hàng chia sẻ với doanh nghiệp thay vì hủy tour thì hoãn tour bởi doanh nghiệp đã tốn rất nhiều chi phí khác như nhân sự, vận tải, chạy trương trình… đây là các khoản không thể tính toán với khách hàng.
Ngoài các đoàn hủy tour đi Nha Trang, người Khánh Hòa cũng hủy tour đi du lịch trong nước đã khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ngày 27/7, UBND tỉnh đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng dịch bệnh.
Sở Du lịch cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, sở chỉ đạo các doanh nghiệp khuyến cáo du khách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Các cơ sở lưu trú tiếp tục thực hiện khai báo y tế đối với khách làm thủ tục nhận phòng; nếu phát hiện các trường hợp người nước ngoài đến lưu trú, tạm trú bất hợp pháp thì phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, PGĐ Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, đến thời điểm này Khánh Hòa đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong tình hình mới. Đối với các khách sạn, resort và các khu du lịch đã có những chuẩn bị từ đợt dịch đầu tiên đến nay nên mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát.
"Hoạt động du lịch ở Khánh Hòa vẫn an toàn, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch phải thực hiện song song hai nhiệm vụ đón khách du lịch và phòng, chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc phòng, chống dịch cho cán bộ, nhân viên và du khách. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền để du khách không lo lắng thái quá, hủy tour đã đặt gây nên những xáo trộn trong hoạt động du lịch cũng như thiệt hại về kinh tế, nên khuyến khích khách dời lịch tour thay vì hủy tour", bà Thanh cho biết.