Vì sao khó xử lý nạn giả mạo trong công chứng?

Tổ chức hành nghề công chứng cần công an mạnh tay hơn nữa, trong khi thực tế không phải vụ nào cũng xử lý được.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chiều nay (19-12), Sở Tư pháp TP sẽ tổ chức hội nghị về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn TP, UBND TP.HCM chủ trì hội nghị. Mục đích là nắm bắt thực trạng, việc phát hiện, xử lý, phòng ngừa; thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp xử lý hành vi giả mạo giấy tờ, mạo danh người đi công chứng.

Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của người trong cuộc nhằm tìm ra một tiếng nói chung.

Công chứng viên đơn độc?

Khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi: Giả mạo người yêu cầu công chứng; người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng. Người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Công chứng viên (CCV) Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7, cho biết khi phát hiện việc giả mạo giấy tờ, mạo danh người khác thì đều lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng việc này không thể làm ngay mà phải mất vài ngày, chưa kể thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan.

Khó khăn khác là tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo. Khi lập biên bản, người vi phạm thường từ chối ký biên bản mà tự ý ra về. Do không chắc chắn về nhân thân và địa chỉ người vi phạm nên công chứng chỉ dừng ở việc trình báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Cùng lắm là đề nghị lưu ý thông tin giả mạo trên mạng ngăn chặn của Sở Tư pháp để tổ chức hành nghề công chứng khác biết mà né ra.

Cũng theo ông Thắng, khi phối hợp với công an địa phương để xử lý các vi phạm thì đôi khi không được hợp tác. Có khi công an làm khó cả CCV khi đòi phải làm tờ khai, tờ tường trình vụ việc dù đã có công văn trình báo và gửi kèm hồ sơ liên quan. “Một số nơi công an còn cho rằng CCV phát hiện vi phạm nhưng chưa xảy ra hậu quả nên không thể khởi tố. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống nạn giấy giả, người giả” - ông Thắng phân trần.

vi sao kho xu ly nan gia mao trong cong chung

Buổi tập huấn nhận diện giấy tờ giả do Sở Tư pháp TP tổ chức vào tháng 7-2017. Ảnh: KP

Công an cần mạnh tay?

“Phòng được cái gì thì đỡ cái nấy” - đó là tâm sự của CCV Trịnh Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng công chứng Phú Mỹ Hưng. Bà Hương cho rằng khi phát hiện hành vi giả mạo thì ai cũng nghĩ ngay đến cơ quan điều tra. Vì suy cho cùng tội phạm chỉ sợ bị xử lý hình sự chứ phạt hành chính không đủ sức răn đe.

CCV Hương nói: “Tôi tố giác tội phạm với một niềm tin mãnh liệt là công an sẽ trấn áp được những kẻ lừa đảo gây hại cho người dân. Nhưng khi không được phối hợp thì có cảm giác như chúng tôi phải tự bơi. Đành rằng CCV phải cảnh giác nhưng có nhiều loại giấy tờ giả quá tinh vi mà chỉ qua giám định mới phát hiện”.

CCV Hoàng Mạnh Thắng khẳng khái: “Mình túm được họ, mừng vì thoát được cảnh bị lừa đảo, thoát bồi thường, kiện tụng… nhưng đối tượng lại được ở ngoài vòng pháp luật, nhởn nhơ đi lại, thậm chí còn mặc cả việc giải quyết với CCV nữa”. Theo ông Thắng, nhiều người dân cả đời mới tích góp mua được căn nhà mà gặp phải giấy tờ giả vô cùng khổ sở. Còn CCV thì đối mặt với tù tội, kiện tụng, bồi thường. Nếu công an điều tra tường tận, xử lý nghiêm khắc thì không chỉ người làm giả giấy tờ mà người sử dụng cũng sợ.

Chờ quy chế phối hợp

Ngày 18-4-2012, UBND TP.HCM có Văn bản số 1713 về việc phòng ngừa và xử lý tình trạng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả, mạo danh người khác trên các giấy tờ. Theo đó, UBND TP giao thủ trưởng các sở/ ngành TP, UBND quận/huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xác minh, đối chiếu thông tin để kịp thời phát hiện việc giả mạo khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cụ thể… UBND TP giao Công an TP chỉ đạo công an các cấp tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tội phạm. Khẩn trương xác minh, điều tra, tập trung vào hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản, CMND, hộ chiếu, hộ khẩu. UBND TP cũng giao cho Công an TP xây dựng quy chế phối hợp giữa Công an TP với các cơ quan hành chính nhà nước trong việc xử lý các hành vi giả mạo kịp thời, hiệu quả… Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có quy chế này.

Không phải vụ nào cũng làm được

Tuy nhiên, một kiểm sát viên thuộc VKSND TP.HCM cho rằng không thể hiểu đơn giản là cứ CCV tố cáo thì công an sẽ xử lý được, mà phải tùy vào tính chất vụ việc.

Vị này dẫn chứng: Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tạm đình chỉ điều tra một vụ vì lý do hết thời hạn mà không tìm ra thủ phạm. Nguyên do, bà Nguyễn Thị Thuấn và bà Thái Kim Cúc (cùng ngụ quận 6) mua chung một lô đất. Anh Cường (con trai bà Cúc) đứng tên, còn bà Thuấn giữ giấy tờ. Tháng 10-2015, bà Thuấn, bà Cúc cùng anh Cường đến Phòng Công chứng số 2 ký bán đất thì được thông báo giấy tờ đất mà bà Thuấn giữ là giả.

Công an xác định ngày 31-7-2015, người đàn ông giả mạo anh Cường đã đến một phòng công chứng khác ký bán đất cho một phụ nữ tên L. Việc bà L. trả tiền ở ngân hàng đã được camera an ninh ghi lại và bà này cũng nhận dạng được người đàn ông giả mạo. Việc khởi tố trong vụ này là đúng bởi bà L. bị chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng, đối tượng mạo danh anh Cường đã làm giả giấy tờ để bán đất cũng cấu thành tội tương ứng. Nhưng đến nay công an không tìm ra vì đối tượng đã kịp bỏ trốn.

Một vụ khác,giữa năm 2017, ông Nguyễn Bảo Châu (ở quận Tân Phú) làm thủ tục cấp lại giấy tờ nhà đất do bị mất. Nhưng cơ quan cấp giấy thông báo tháng 11-2015, ông Châu đã có hợp đồng ủy quyền cho người phụ nữ tên Hương được bán nhà. Sau đó, bà Hương đã ký bán nhà của ông Châu cho người khác. Nhưng thực tế ông Châu không biết bà Hương là ai và quá trình ở không thấy ai đến đòi nhà. Vì thế, khi nhận được tố cáo, Công an quận Tân Phú cho rằng đây là quan hệ dân sự...

Kiểm sát viên này phân tích: Giả thiết có người giả vợ chồng ông Châu để ký ủy quyền cho bà Hương thì cũng chưa thể khởi tố vụ án, vì dấu hiệu chiếm đoạt tài sản chưa thể hiện rõ. Vụ việc có thể giải quyết bằng vụ án dân sự vì tài sản chưa bị đối tượng giả danh chiếm đoạt. Do vậy, không phải vụ nào công an cũng có thể khởi tố được.

Cần nhiều cơ quan vào cuộc

Tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo người khác khi công chứng, chứng thực đang là vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các địa phương khác. Số vụ việc đã phát hiện hoặc tiềm ẩn dấu hiệu giả mạo ngày càng tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Điều này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, tạo tâm lý lo lắng, bất an cho CCV, cơ quan chứng thực, doanh nghiệp và người dân. Nó còn tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Hậu quả là nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa, bị chiếm đoạt hàng tỉ đồng và gây áp lực cho CCV. Đã có trường hợp CCV bị truy tố vì có sai sót về trình tự, thủ tục công chứng do không phát hiện được giấy tờ giả.

Ngoài việc mất mát tài sản thì người bị chiếm đoạt tài sản còn rơi vào cảnh suy sụp tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe… Trước thực trạng đó, Sở Tư pháp TP đã thực hiện nhiều giải pháp như chủ động phối hợp với UBND quận/huyện, tổ chức hành nghề công chứng rà soát những bất cập về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mới. Sở đã phối hợp với Công an TP tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV về kỹ năng nhận diện, phát hiện giấy tờ giả, giả mạo người khác.

Sở còn đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trang bị máy soi dấu vân tay, giấy tờ, kính lúp… để hỗ trợ kiểm tra giấy tờ. Ngoài ra, tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, giao ban công chứng, chứng thực để chấn chỉnh, nhắc nhở CCV nâng cao ý thức cảnh giác, kiểm tra, xác minh đối chiếu thông tin kịp thời phát hiện việc giả mạo khi tiếp nhận hồ sơ. Xây dựng và triển khai sử dụng các phần mềm công chứng về quản lý hồ sơ công chứng, thông tin ngăn chặn tài sản, mẫu dấu… Phối hợp với Công an TP trong việc chuyển hồ sơ điều tra, xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi giả mạo…

Mặc dù Sở Tư pháp TP và các đơn vị liên quan đã thường xuyên thực hiện nhiều giải pháp nhưng việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan chưa thật sự tốt. Đặc biệt, giữa các tổ chức hành nghề công chứng (đơn vị phát hiện) với công an (đơn vị tiếp nhận, xử lý) và một số cơ quan công an phường/xã/thị trấn còn chậm tiếp nhận; xử lý chưa quyết liệt, triệt để.

Trong khi các đối tượng làm giả giấy tờ và người sử dụng giấy tờ giả ngày càng tăng do trình độ giả mạo vô cùng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi phải có các phương tiện máy móc của cơ quan chuyên ngành mới phát hiện được.

Đồng thời việc phòng chống, phát hiện, xử lý các vụ việc giả mạo chưa quyết liệt, cũng như quy định pháp luật hiện hành về chế tài đối với hành vi giả mạo còn chưa mang tính răn đe. Như vậy, để xử lý tốt thì cần sự phối hợp tích cực từ các cơ quan có liên quan với những giải pháp mới, hiệu quả nhất để đem lại sự an toàn, yên tâm trong giao dịch dân sự.

Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

(K.PHỤNG ghi)

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.