Vì sao nhiều cụm công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thể hoạt động?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Công Thương rà soát việc triển khai thực hiện các quy hoạch các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã được tỉnh phê duyệt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu có 15/17 cụm công nghiệp đã được tỉnh giao cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, 2 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Vậy nguyên nhân là gì và giải pháp nào để gỡ khó cho các cụm công nghiệp?

Hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động

Vì sao nhiều cụm công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thể hoạt động? - Ảnh 1.

Cụm công nghiệp Hòa Long. (Ảnh: TTXVN).

Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu được khởi công vào năm 2014 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2019 trên tổng diện tích là hơn 21 ha. Cũng trong năm 2019, công trình này đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và UBND huyện Xuyên Mộc cũng đã tiến hành bàn giao hiện trạng cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu, cho Công ty Đầu tư và khai thác Hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (Công ty IZICO) trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện, hiện đã giao cho công ty IZICO quản lý, vận hành; đồng thời, xây dựng phương án đơn giá cho thuê đất. UBND huyện đã đôn đốc Công ty IZICO đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phía Công ty IZICO cũng đã xây dựng phương án đơn giá cho đơn vị thứ cấp thuê.

Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn chưa ban hành đơn giá chính thức cũng như các chính sách hỗ trợ có liên quan đến việc di dời. Bên cạnh đó, ngày 30/10/2020, UBND huyện Xuyên Mộc đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND của UBND huyện Xuyên Mộc về việc di dời khoảng 63 cơ sở chế biến thủy hải sản vào Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

"Trong quá trình triển khai UBND huyện đang gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng phương án di dời. Vì vậy, UBND huyện đang đề nghị Công ty IZICO hỗ trợ xây dựng phương án di dời đồng thời chủ động phối hợp với UBND huyện để hướng dẫn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường các thủ tục liên quan đến việc di dời. Do đó, UBND huyện đề nghị dời thực hiện kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 30/10/2020 sang năm 2021", ông Khanh thông tin thêm.

Còn tại cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước, mặc dù cũng đã hoàn thành xây dựng từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng 1, thành phố Bà Rịa cho biết, trước đây, đây là Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, do UBND thành phố Bà Rịa làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng.

Ban đầu khu này có quy mô là 8,9 ha được quy hoạch để phục vụ việc di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên thành phố Bà Rịa tập trung vào đây hoạt động. Sau khi hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giao cho Sở Công Thương tỉnh tham mưu, xin ý kiến Bộ Công Thương để bổ sung vào cụm công nghiệp của tỉnh và bàn giao cho Công ty IZICO quản lý, vận hành khai thác.

Nhưng, do quy mô nhỏ hơn 10 ha nên nên phải điều chỉnh mở rộng thêm 1,9 ha cho đủ diện tích để chuyển thành cụm công nghiệp, phần diện tích mở rộng sẽ bổ sung vào phần diện tích cây xanh. Hiện nay, thành phố Bà Rịa đang hoàn thành các thủ tục đầu tư để bàn giao cho Công ty IZICO.

Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tại công văn số 149/STNMT–CCQLĐĐ, ngày 12/1/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn thì Công ty IZICO (đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính) không đủ điều kiện để nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án và cho thuê lại đất. Chỉ khi Công ty IZICO được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi thành tổ chức kinh tế mới đủ điều kiện được nhà nước cho thuê lại đất và cho thuê theo quy định hiện hành.

Sở Công Thương đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh chuyển đổi Công ty IZICO thành tổ chức kinh tế.

Gỡ khó cho các cụm công nghiệp

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay trong số 15 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho các doanh nghiệp và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, hiện nay mới chỉ có 5 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 1 cụm công nghiệp do nhà nước làm chủ đầu tư thu hút được các dự án thứ cấp vào hoạt động.

Đến nay có tổng cộng 30 dự án với tổng vốn thực hiện khoảng 4.686 tỷ đồng và diện tích đất cho thuê khoảng 102,52 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân vào khoảng 30%. Các cụm công nghiệp đang hoạt động này tạo được việc làm cho khoảng 9.100 lao động.

Hiện nay, tình hình triển khai các cụm công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong một số vấn đề như: chưa có nước máy để sử dụng, chưa có con đường dân sinh xung quanh, vướng mắc về thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng và giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định, tiến độ triển khai chậm như: Cụm công nghiệp Tóc Tiên, Cụm công nghiệp Hắc Dịch 1 - thị xã Phú Mỹ, Cụm công nghiệp Tam Phước – huyện Long Điền, cụm công nghiệp Hồng Lam – thành phố Bà Rịa, Cụm công nghiệp Ngãi Giao – huyện Châu Đức.

Trước khó khăn của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần rà soát, tính toán quy mô từng doanh nghiệp, công năng, năng lực sản xuất của từng loại hình cụ thể, đảm bảo di dời các cơ sở sản xuất phù hợp với thực tế và theo hướng đổi mới công nghệ, tăng quy mô, công suất, hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cũng giao Sở Công Thương tổ chức rà soát việc triển khai thực hiện các quy hoạch các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, cần tập trung đánh giá việc thực hiện mô hình quản lý; kết quả đạt được; các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất và các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế của từng cụm công nghiệp.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.