Vì sao TP HCM đề nghị cấm dịch vụ đòi nợ thuê?

UBND TP HCM đánh giá, các đối tượng núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay "tín dụng đen", nhằm thu lợi bất chính.

UBND TP HCM vừa báo cáo Bộ Tài chính về tình hình, kết quả công tác quản lí hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn thành phố quý I/2019.

Hiện, TP HCM có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động kinh doanh đòi nợ (3 công ty có yếu tố nước ngoài) với tổng số vốn điều lệ hơn 111 tỉ đồng, 711 người lao động.

6b21a03a0b7be225bb6a

(Ảnh minh họa)

Qua kiểm tra đột xuất, công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp với tổng số tiền 3 triệu đồng về hành vi "Sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự".

Đồng thời, công an thành phố có thông báo trả lời 7 đơn (3 tố cáo, 2 tin báo, tố giác tội phạm, 2 phản ánh) có liên quan đến các công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Qua đó, đã phát hiện và xử lí vi phạm hành chính một trường hợp với tổng số tiền 1,5 triệu đồng.

Dự kiến, trong tháng 10 năm nay, công an có kế hoạch kiểm tra định kì đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại này.

UBND đánh giá, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn TP diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các đối tượng núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay "tín dụng đen", nhằm thu lợi bất chính.

Theo đó, nếu các con nợ không trả đúng hẹn, họ thường sử dụng nhân viên hoặc thuê người tiến hành đòi nợ trái pháp luật làm sợ hãi hoặc gây hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Theo UBND TP, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhanh không cần thế chấp tài sản, hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức nên tìm đến cá nhân, cơ sở hoạt động cho vay "tín dụng đen". Từ đó, khi họ không có khả năng chi trả sẽ phát sinh hệ lụy đòi nợ trái pháp luật.

Hiện, chưa có qui định về mức phí đòi nợ thuê, các công ty tự thỏa thuận với người dân (có khi lên đến 50% số tiền khách nợ) nên họ thường dùng mọi biện pháp mạnh để đòi bằng được tiền; trong đó có hành vi uy hiếp tinh thần khách nợ và gia đình họ như tạt sơn, ném chất bẩn...

Theo Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến, quan hệ vay - nợ là hợp đồng dân sự, hoặc kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành luật nên không cần thiết phải có dịch vụ đòi nợ thuê.

TP HCM đặt ra trường hợp, nếu không thể cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, như: quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.