Vì sao truyện ngôn tình bị chê nhưng vẫn ‘hot’?

Khoảng 6 -7 năm trở lại đây, loại sách ngôn tình xuất hiện tràn lan trên các hiệu sách ở Việt Nam. Đối tượng độc giả của loại sách này chủ yếu là giới trẻ và phụ nữ. Đã có không ít chuyên gia, các nhà giáo, nhà văn lên tiếng lo ngại về tác động tiêu cực của loại sách này đối với giới trẻ Việt. Tuy nhiên, với một cái nhìn toàn diện và bao dung, việc đam mê đọc tiểu thuyết ngôn tình không chỉ có hại.

Vì sao nhiều nhà văn hóa lo ngại về xu hướng thích đọc ngôn tình của độc giả?

Dạo qua một vòng các phố sách, hiệu sách lớn nhỏ tại Hà Nội, nhiều người sẽ tỏ ra lo lắng trước sự lấn át của loại tiểu thuyết ngôn tình được dịch từ Trung Quốc đối trên kệ sách văn học.

Tiểu thuyết ngôn tình đề cập đến những câu chuyện tình yêu lãng mạn, bay bổng. Mô típ quen thuộc của nó là một chàng trai có ngoại hình nổi bật, tài giỏi, giàu có nhưng lạnh lùng sẽ gặp và yêu một cô gái cá tính, thông minh hoặc hơi…ngốc nghếch; hoặc một tiểu thư giàu có, mơ mộng sẽ gặp được một chàng trai phong trần, nghèo khó nhưng cá tính và mạnh mẽ. Truyện thường kết thúc có hậu. Đa số các tác phẩm ngôn tình đều có những cái tên khá giật gân chủ yếu được rút ra từ những lời thoại có phần “sến” của các nhân vật trong truyện như: “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” (Tào Đình); “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”(Cố Mạn); “Anh sẽ đợi em trong hồi ức” (Tân Di Ổ)

vi sao truyen ngon tinh bi che nhung van hot
Hai trong số nhiều truyên ngôn tình được độc giả Việt Nam yêu thích

Nội dung của các câu chuyện tình yêu này sẽ đưa người đọc đến một không gian lãng mạn. Ở đó, mọi chi tiết đều được lý tưởng hóa, các nhân vật dù gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn thế nào vẫn có đủ bình tĩnh, sự thông thái và cả may mắn để vượt qua. Chính điều này làm cho nhiều người lo ngại rằng thể loại truyện này sẽ “tô hồng cuộc sống”, làm cho người đọc, nhất là giới trẻ có ảo tưởng về cuộc sống thực tại. Từ ảo tưởng đó, họ đi tìm những cuộc tình “đẹp như mộng” giống như trong sách. Nhưng đời sống thực tế đầy cạm bẫy, quan trọng hơn, sẽ không có một nhân vật “lý tưởng” nào trong sách có trong thực tại. Vì vậy, từ chỗ mơ mộng hão huyền, các bạn trẻ sẽ có tâm lý thất vọng, chán nản trước hiện thực khắc nghiệt…

Ngoài giới trẻ, phụ nữ cũng là đối tượng độc giả đông đảo của tiểu thuyết ngôn tình. Họ tìm đến tiểu thuyết ngôn tình để “lấp đầy khoảng trống lãng mạn” mà những người chồng, người yêu của họ để lại. Cuộc sống gia đình lo toan sẽ làm mất đi sự lãng mạn, người phụ nữ sẽ tìm thấy điều đó một cách dễ dàng trong tiểu thuyết ngôn tình. Khi cuộc sống thực tại phũ phàng và khắc nghiệt hơn nhiều trong tiểu thuyết thì những cuộc “ngoại tình tư tưởng” sẽ diễn ra. Thậm chí, nhiều người khao khát đi tìm kiếm một hình mẫu lý tưởng trong cuộc sống. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến những đổ vỡ không đáng có trong cuộc sống hôn nhân.

Đặc biệt, đa phần các tiểu thuyết ngôn tình không thể thiếu sex. Đây có lẽ là tác hại lớn nhất mà sách ngôn tình đem đến cho độc giả trẻ Việt. Các nhân vật trong tiểu thuyết ngôn tình thường có suy nghĩ và hành động rất “thoáng” về chuyện tình yêu, tình dục. Rất khó để tìm thấy một cặp tình nhân không làm “chuyện ấy” trước khi kết hôn. Sự dễ dãi trong việc “cho đi” của các nhân vật nữ trong các câu chuyện tình yêu lãng mạn ấy không khỏi khiến phụ huynh lo lắng cho con em của mình.

Khi những cuốn tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc trở thành “sách gối đầu giường” của không ít bạn trẻ thì ở Việt Nam xuất hiện không ít những tác giả thế hệ 8X; 9X “ăn theo” xu hướng ngôn tình như Gào, Trần Thu Trang… Những tác phẩm của các tác giả này cũng có cốt truyện gần giống với những tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Sự xuất hiện của các tác giả tiểu thuyết ngôn tình Việt Nam khiến nhiều người lo lắng rằng xu hướng giật gân, câu khách cùng những chuyện tình “lãng xẹt” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những sáng tác của các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ.

Vì những điều trên, nhiều chuyên gia văn hóa, một số nhà văn, nhà thơ cho rằng việc ham mê đọc tiểu thuyết ngôn tình là một mối lo ngại lớn. Thậm chí, có ý kiến còn liệt ngôn tình vào loại “sách xám” đầu độc giới trẻ một cách…từ từ.

vi sao truyen ngon tinh bi che nhung van hot
Nhà văn Diệp Lạc Vô Tâm có mặt trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội với hàng trăm người hâm mộ vây kín

Nên nhìn nhận mặt tích cực của truyện ngôn tình

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tích cực thì sách ngôn tình không phải chỉ có mặt hại. Đa số các câu chuyện tình trong tiểu thuyết ngôn tình đều đề cao sự chung thủy, lên án lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền. Do đó, ở một góc độ nào đó, nó sẽ hướng con người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống và tình yêu.

Thêm vào đó, tiểu thuyết ngôn tình đáp ứng những chỗ thiếu trong tâm lý của giới trẻ. Nó thể hiện ước mơ, nguyện vọng của họ. Đó chính là điều tạo nên sức hấp dẫn của thể loại văn học này.

Theo tác giả Phạm Phương – một trong những cây bút trẻ có nhiều nỗ lực trong việc tìm tòi cái mới trong văn chương thì tiểu thuyết ngôn tình cũng có khá nhiều điểm đáng để đọc: “Khác với một cuộc sống đè nặng, nhiều định kiến, nhiều suy nghĩ và đôi khi khá tàn nhẫn, tiểu thuyết ngôn tình là một thế giới nhẹ nhàng hơn và tươi đẹp hơn rất nhiều. Nói như thế không có nghĩ là xây dựng một ảo tưởng, đó đơn giản chỉ làm cho người ta tự tin hơn một chút khi biết đâu đó quanh mình vẫn còn nhiều điều chân thực. Trí tưởng tượng văn chương của các tác giả dòng văn học này quả thực rất đáng khâm phục. Họ có tư duy xây dựng cốt truyện rất tốt. Và, khác với cách người ta thường đánh giá về truyện ngôn tình là rẻ tiền, phi văn chương. Tôi nghĩ các tác giả ngôn tình, phần đông là người có kiến thức lịch sử, xã hội và tư duy ngôn ngữ rất dày dạn. Một số tác giả tiểu thuyết ngôn tình tiêu biểu mà tôi thường đọc như: An ni bảo bối, Vệ Tuệ, Đồng Hoa, Diệp Tử. Tuy nhiên, theo tôi, để từ cận văn chương tiến đến văn chương thì cần một sự sâu sắc và thực tế cụ thể. Một nỗi đau khổ của đời sống đích thực. Do vậy, tiểu thuyết ngôn tình dù là dòng chảy đáng chú ý nhưng thật khó khăn nếu coi đó là văn chương thực thụ.”

Hơn nữa, trong nền văn học luôn tồn tại nhiều dòng văn học, nhiều phong cách sáng tác khác nhau. Tiểu thuyết ngôn tình cũng có thể được coi là một loại hình sách giải trí giống như hầu hết các loại sách giải trí khác. Do đó, việc đọc các tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc hay của các tác giả trẻ Việt Nam có thể coi là điều hoàn toàn bình thường. Có điều, những người dịch sách, những nhà xuất bản, nhà sách cần có một cách làm việc nghiêm túc để lựa chọn những tác phẩm “đáng đọc” cho giới trẻ trong nước.

vi sao truyen ngon tinh bi che nhung van hot
Không phải bỗng dưng mà dòng văn học này lại "hot" đến thế, sự xuất hiện của Diệp Lạc Vô Tâm tại Hà Nội càng cho thấy sự yêu thích truyện ngôn tình của độc giả Việt (Ảnh: Kênh 14)

Sự say mê sách ngôn tình cũng cho chúng ta thấy nhu cầu đọc của giới trẻ không hề thấp. Sách vẫn là một “món ăn tinh thần” hấp dẫn với họ. Sức hấp dẫn của sách ngôn tình cũng là một “bài học” cho những người cầm bút. Có lẽ, đã đến lúc họ cần phải kết hợp một cách khéo léo giữa yếu tố “ăn khách” của ngôn tình và những hiểu biết, những vấn đề nhức nhối cần được quan tâm của xã hội để các tác phẩm văn học trong nước ngày một hấp dẫn, sâu sắc và phản ánh chân thực cuộc sống hơn. Đó phải chăng cũng là một cách để chúng ta hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực mà tiểu thuyết ngôn tình mang lại cho giới trẻ.

Quốc Khánh

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.