Mở phiên giao dịch ngày 21/3, vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết bán ra 46,55 triệu đồng/lượng, mức giá này được duy trì cho đến cuối ngày. So với hôm qua, mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra giảm 100.000 đồng. Trong khi đó, giá mua vào là 45,75 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra lên đến 800.000 đồng/lượng.
Tại PNJ, doanh nghiệp này niêm yết vàng miếng SJC bán ra đến 46,8 triệu đồng/lượng, chênh lệch khá cao so với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Trong khi đó, giá mua vào chỉ 45,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua-bán mỗi lượng vàng miếng SJC lên đến 900.000 đồng.
Tập đoàn Doji và Phú Quý cùng niêm yết vàng miếng SJC mua vào, bán ra lần lượt ở mức 45,8-46,3 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua vào-bán ra đang ở mức thấp hơn so với các doanh nghiệp còn lại: 45,85-46,25 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng miếng SJC niêm yết tại các doanh nghiệp trong nước có phần giảm nhẹ nhưng nhìn chung, tuần qua, mỗi lượng vàng miếng bán ra tại các doanh nghiệp này đều tăng từ 600.000 đồng/lượng so với đầu tuần.
Diễn biến này hoàn toàn trái với thị trường vàng thế giới. Thậm chí, trong tuần, có những hôm, giá vàng thế giới giảm sâu nhưng vàng trong nước vẫn được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm từ 100.000-200.000 đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay trên thế giới hôm nay (21/3) đạt 1.499,3 USD/ounce. Theo quy đổi, giá vàng thế giới hiện chỉ khoảng 42 triệu đồng/lượng, như vậy giá trong nước đang cao hơn từ 4-5 triệu đồng.
Tuần qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, tương tự chứng khoán, giá vàng thế giới cũng chao đảo, thậm chí lùi về vùng 1.470 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước không chịu nhiều ảnh hưởng và vẫn duy trì trên mức 46 triệu đồng.
Phân tích chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng giá vàng trong nước đang ở mức rất cao so với giá thế giới, thậm chí, có hôm chênh lệch tới 6 triệu đồng. Đơn cử, ngày 20/3, vàng thế giới quy đổi chỉ khoảng 40 triệu đồng/lượng nhưng vàng trong nước vẫn quanh 46 triệu đồng/lượng, đắt hơn 15%.
Giải thích về nghịch lí này, chuyên gia tài chính cho rằng trên thị trường thế giới, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để tái đầu tư vào những tài sản có giá trị, còn Việt Nam, các kênh đầu tư tương đối hạn chế.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư trong nước thời điểm nay bán vàng thì khó có thể tìm được kênh đầu tư khác an toàn hơn và có tính thanh khoản cao, trong khi chứng khoán, bất động sản đều đang gặp khó. Vì vậy, vàng vẫn là tài sản tương đối tốt có thể giữ vững được giá trị ở hiện tại và tương lai.
"Giá vàng trong nước hiện nay cao như vậy chắc chắn không phải do đầu cơ, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, người ta không mong muốn đầu cơ, không xem vàng là kênh đầu tư an toàn. Khi có dịch bệnh, họ vẫn xem tiền mặt là số 1 để mua thực phẩm, chữa bệnh", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Phân tích về điều này, ông Bùi Quang Tín cho rằng từ đầu năm 2013, khi Chính phủ ban hành Nghị định mới không cho phép giao dịch sàn vàng, thì tình trạng đầu cơ vàng đã không còn nữa. Thị trường vàng, thanh khoản vàng miếng tại doanh nghiệp, tiệm vàng, ngân hàng cũng rơi vào tình hình ế ẩm.
"Thứ hai, thị trường vàng do một số nhóm điều khiển thị trường. Thời gian vừa rồi, họ đã mua vào với mức giá 1.650-1.700 USD/ounce và hiện vàng thế giới lùi về dưới 1.500 USD, thì họ cũng chưa muốn bán ra. Nếu bán ra thì lỗ ngay lập tức, nên phải chờ đến một mức nào đó để có thể giảm lỗ", chuyên gia đánh giá.
Vì vậy, ông cho rằng các nhóm chi phối thị trường vàng này, chủ yếu là các quỹ đầu tư vẫn đang kì vọng vàng quay trở lại vùng giá 1.650 hoặc hơn 1.700 USD/ounce.
"Xu hướng ngắn hạn, vàng vẫn chưa thể lên giá 1.600-1.700 USD/ounce, bởi phát biểu mới đây của Tổng thống Mỹ cho rằng dịch Covid-19 mãi đến tháng 8 mới được kiểm soát tốt. Cùng dự báo này và nhiều chuyên gia khác nhận định thì giá vàng, giá chứng khoán sẽ tiếp tục ở mức thấp như hiện nay, ít nhất là cho đến cuối quý II", chuyên gia Bùi Quang Tín dự báo.
Ông cho rằng giá vàng những ngày gần đây biến động trong khung rất rộng 1.450-1.700 USD/ounce. Cách đây vài hôm, giới đầu tư còn cho vàng là kênh trú ẩn an toàn, giá trên 1.700 USD/ounce, nhưng khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ, châu Âu và châu Á, thì giới đầu tư đã bán tháo ngay lập tức, từ vàng, chứng khoán cho đến trái phiếu Mỹ.
"Từ trước đến nay, vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn bên cạnh trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, dịch lan rất rộng và chưa biết khi nào là đỉnh, nhà đầu tư khắp thế giới, không riêng Việt Nam đồng loạt bán đi tất cả tài sản", TS. Bùi Quang Tín nói.
Trước diễn biến này, rất nhiều ngân hàng trung ương các nước đều cắt giảm lãi suất. Tại châu Á, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cũng vậy.
Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân rất lo lắng về dịch bệnh. Theo chuyên gia, trong tình hình này, người ta chỉ quan tâm đến tiền mặt.
"Tâm lí chung là người dân luôn nghĩ khi có sự cố, cách li thì phải có tiền để mua thực phẩm, thiết bị y tế, dịch vụ y tế, hỗ trợ người thân. Chỉ đến khi nào Covid-19 chưa lên đỉnh và được kiểm soát, chắc chắn vàng và các loại tài sản khác mới được xem là kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy thời điểm này tiền mặt vẫn là vua", TS. Bùi Quang Tín nhận định.
Kinh doanh 07:06 | 30/08/2024
Kinh doanh 07:26 | 29/08/2024
Kinh doanh 07:17 | 28/08/2024
Kinh doanh 07:25 | 27/08/2024
Kinh doanh 07:11 | 26/08/2024
Kinh doanh 09:07 | 25/08/2024
Kinh doanh 08:28 | 24/08/2024
Kinh doanh 07:46 | 23/08/2024