Nhà đầu tư nên học hỏi theo Warren Buffett: không quá lo lắng về cuộc bầu cử và kết quả của nó.
Nhà hiền triết xứ Omaha nói rằng mọi cuộc bầu cử - kể cả những cuộc bầu cử cực kì khốc liệt – cũng không phải điều đáng quan tâm với nhà đầu tư.
Dưới đây là cách Warren Buffett đánh giá sự chia rẽ chính trị tại Mỹ và lời khuyên của ông để giữ cho tình hình tài chính của bạn vững mạnh bất chấp điều gì xảy ra sau cuộc bầu cử.
Nếu được hỏi: Tổng thống Biden hay Tổng thống Trump? Warren Buffett có thể sẽ nói: Ai thèm quan tâm?
Vị Chủ tịch Berkshire Hathaway nói rằng kinh tế Mỹ sẽ thịnh vượng bất kể ai ngồi trong Phòng Bầu dục, theo Yahoo Finance.
Trong cuộc họp thường niên 2018, Warren Buffett chia sẻ với các cổ đông: "Tôi đã chứng kiến rất nhiều thời điểm nước Mỹ có vẻ như bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Mỗi lần bầu cử đều có những người nghĩ rằng thế giới sắp kết thúc và tự hỏi: "Làm sao mọi chuyện có thể đi đến mức này?""
Warren Buffett năm nay 90 tuổi, đã sống dưới 15 đời tổng thống và trải qua rất nhiều sự kiện quan trọng của nước Mỹ. Nhưng ông nói rằng theo một chỉ tiêu, nước Mỹ hiện nay giàu có hơn gấp 6 lần ngày ông được sinh ra.
"Trải qua tất cả, nước Mỹ luôn tiến lên phía trước".
Warren Buffett nổi tiếng với việc truyền bá chiến lược "mua và giữ". Trong trường hợp của bản thân Warren Buffett, chiến lược này có thể gọi là "mua và giữ và tiếp tục giữ".
Bài học từ Warren Buffett là hãy gắn bó với các khoản đầu tư của bạn trong thời gian dài và không bị phân tâm bởi những thăng trầm của thị trường, ví dụ như bất kì sự biến động nào có thể xảy ra khi các lá phiếu được đếm.
Năm 2018, Warren Buffett minh họa với các cổ đông rằng nếu ai đó đầu tư 10.000 USD vào các cổ phiếu S&P 500 trong năm 1942 thì bây giờ nhà đầu tư đó sẽ có 51 triệu USD.
Chứng khoán Mỹ phản ứng với kết quả bầu cử gây tranh cãi bằng tuần năng nóng nhất trong 6 tháng trở lại đây. Nhà đầu tư hi vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục chia rẽ và không đảng phái chính trị nào nắm hoàn toàn quyền lực.
Trong báo cáo trước cuộc bầu cử vài ngày, JPMorgan nói rằng mọi kết quả bầu cử đều sẽ trung tính hoặc tính cực đối với thị trường chứng khoán. JPMorgan cũng dự đoán rằng S&P 500 sẽ lập kỉ lục mới trong những tháng cuối năm, bất kể ai là người chiến thắng cuối cùng.
Nhà đầu tư chỉ cần xem xét cuộc bầu cử năm 2000 để đoán định thị trường sẽ phản ứng thế nào giữa sự hỗn loạn của cuộc bầu cử. Việc kiểm phiếu lại ở Florida kéo dài suốt nhiều tuần và phải đến tháng 12 thì Tòa án Tối cao mới ra phán quyết giúp George W. Bush trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.
Chứng khoán Mỹ có vài phiên trồi sụt trong thời gian cuộc bầu cử chưa được phân xử. Nhưng một thước đo cho thấy biến động lên đến đỉnh điểm trước Ngày bầu cử và phải một thời gian dài sau thị trường mới bị khuấy đảo do sự đổ vỡ của bong bóng công nghệ dot-com.
Do vậy nhà đầu tư không cần phải lo lắng quá nhiều về việc liệu hệ thống chính trị Mỹ có thể đối phó với những tranh chấp ồn ào hiện tại hay không. Warren Buffett khẳng định với các cổ đông vào năm 2018: "Hệ thống chính trị Mỹ hoạt động hiệu quả".