Tối ngày 6/10, ông Trump đăng tweet cho biết ông ủng hộ một dự luật độc lập cho phép mỗi người dân nhận thêm 1.200 USD cứu trợ tiền mặt. Tuyên bố mới đảo ngược thái độ trước đó của ông Trump, khi ông muốn các nhà lập pháp Washington dừng đàm phán về gói cứu trợ kinh tế mới cho tới sau cuộc bầu cử.
Ông Trump còn kêu gọi soạn thảo các dự luật riêng khác nhằm cung cấp 25 tỉ USD cứu trợ cho ngành hàng không và 135 tỉ USD bổ sung cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương để giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, chưa rõ lời kêu gọi của Tổng thống Trump có kéo lưỡng đảng Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc xích lại gần nhau và thông qua một đợt phát tiền mặt mới hay không.
Đảng Dân chủ Hạ viện đang tìm kiếm một gói kích thích tài khóa trị giá 2.200 tỉ USD, trong khi Nhà Trắng chỉ sẵn sàng chi 1.600 tỉ USD.
Dựa trên bình luận của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trên truyền hình ngày 7/10, CNBC nhận định "có vẻ như đề xuất của ông Trump không đủ sức để xoa dịu thế bế tắc chính trị hiện nay".
"Tất cả những gì ông ta muốn đàm phán từ trước đến nay là gửi một tấm séc có in tên ông ta", bà Pelosi nhấn mạnh. "Quên đại dịch, quên hết những người hùng của đất nước, quên luôn con cái chúng ta và mong muốn đến trường an toàn của chúng. Ông Trump chỉ đang cố sửa chữa một sai lầm khủng khiếp mà ông ta phạm phải ngày hôm trước..."
Để người dân Mỹ nhận được 1.200 USD tiền mặt cứu trợ, đại đa số thành viên của lưỡng đảng Mỹ phải gật đầu đồng ý.
Trong khi ông Trump hướng đến Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và chờ bà hành động thì ông Ed Mills - nhà phân tích chính sách tại ngân hàng Raymond James, cho rằng mọi người thực sự nên hướng tới Thượng viện Mỹ.
Ông Mills lí giải, nguyên nhân là Hạ viện đã thông qua hai phiên bản của dự luật kích thích kinh tế nhưng Thượng viện không đồng ý và giờ đây Hạ viện đang cố gắng cung cấp hỗ trợ độc lập cho ngành hàng không.
Theo kế hoạch, đến ngày 19/10 thì Thượng viện mới làm việc trở lại. Tại thời điểm đó, Thượng viện dự kiến sẽ tổ chức các phiên điều trần xác nhận cho ứng viên Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao.
"Trước khi thực sự có bất kì áp lực nào buộc Hạ viện phải hành động, bà Nancy Pelosi sẽ lên tiếng yêu cầu Thượng viện làm gì đó", ông Mills nói thêm.
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cũng có thể đối đầu khi đàm phán điều khoản cho đợt phát tiền mặt lần hai. Phiên bản mới nhất của Dự luật HEROES do Đảng Dân chủ Hạ viện thông qua cho biết bất kì ai có mã số thuế đều đủ điều kiện nhận tiền.
Điều khoản của Đảng Dân chủ Hạ viện trái ngược với đợt phát tiền mặt cứu trợ đầu tiên, chỉ dành cho công dân Mỹ hoặc thường trú nhân.
Nhà phân tích Ed Mills bình luận: "Trong trường hợp này, lưỡng đảng sẽ kéo vấn đề nhập cư vào cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính. Chúng ta chỉ còn vài tuần trước ngày bỏ phiếu và việc bàn lại chính sách nhập cư như một phần của gói cứu trợ càng khiến người dân Mỹ khó có cơ hội nhận thêm 1.200 USD tiền mặt khác".
Ông Bill Hoagland - cựu Phó Chủ tịch tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng kiêm cựu nhân viên Thượng viện, cho rằng người dân Mỹ khó có khả năng nhận thêm cứu trợ tiền mặt.
Một lí do chính là bà Pelosi và Đảng Dân chủ không muốn thông qua tấm séc có in tên ông Trump ngay trước thềm bầu cử, ông Hoagland lí giải.
Tuy nhiên, ông Bill Hoagland cho rằng viện trợ cho ngành hàng không có nhiều khả năng được thông qua nhất dù chỉ có khoảng 50-50 cơ hội.
"Thật không may, người dân sẽ phải cố gắng chèo chống qua khó khăn", ông Hoagland nói.
Theo CNBC, cơ hội tiếp theo để Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật cứu trợ Covid-19 nào đó có thể là vào ngày 11/12, hạn chót cuối cùng để cấp thêm ngân sách nhằm ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa.
Theo ông Mills của ngân hàng đầu tư Raymond James, nếu ông Trump tái đắc cử thì gói cứu trợ bổ sung sẽ đến nhanh nhất, còn nếu Đảng Dân chủ giành chiến thắng thì qui mô gói hỗ trợ sẽ là lớn nhất.