Tâm lí xôn xao bắt đầu bùng lên sau loạt tweet đăng vào 14h48 ngày 6/10 (theo giờ địa phương), khi ông Trump tuyên bố ông đã chỉ đạo cấp dưới ngừng đàm phán với Đảng Dân chủ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống 3/11.
"Tôi đã chỉ thị cho cấp dưới ngừng đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử, ngay sau khi tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thông qua Dự luật Kích thích lớn nhất tập trung vào người dân lao động và doanh nghiệp nhỏ", ông Trump đăng tweet.
Sau đó, ông Trump tiếp tục đăng tweet cho hay ông đã yêu cầu lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell tập trung vào việc phê duyệt ứng viên Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao.
Giới quan sát tự hỏi, tại sao Nhà Trắng lại đột ngột bỏ đi một một động lực kinh tế lớn khi đang ở chặng cuối của cuộc đua vào ghế tổng thống như thế?
Họ coi dòng tweet thông báo của Tổng thống Trump như một tổn thương mà ông tự gây ra cho chính mình. Một quản lí ngân hàng cấp cao tại phố Wall gọi động thái ngừng đàm phán của ông Trump là "phi logic", đặc biệt là khi chỉ còn vài tuần trước Ngày bầu cử (3/11).
Theo CNBC, có rất nhiều phe ủng hộ tăng thêm kích thích kinh tế, ví dụ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Phố Wall, Đảng Dân chủ ở Quốc hội, một số thành viên Đảng Cộng hòa và công chúng Mỹ.
Các nhà kinh tế và giới đầu tư cho biết: Theo nhiều số liệu, nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất yếu sau cuộc suy thoái hồi đầu năm. Một số nhà lập pháp đã kêu gọi nối lại đàm phán về gói cứu trợ Covid-19.
"Chờ đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống để đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ Covid-19 tiếp theo là một sai lầm lớn", Thượng nghị sĩ Susan Collins (Đảng Cộng hòa) khẳng định. "Tôi đã liên lạc với Bộ trưởng Bộ Tài chính - một trong các nhà đàm phán chính, và một số đồng nghiệp tại Thượng viện", bà Collins chia sẻ thêm.
Đối thủ của ông Trump - cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cho hay quyết định dừng đàm phán cho thấy Tổng thống Trump không quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người dân trong đại dịch.
"Ông ta kết thúc cuộc đàm phán có thể giúp đỡ rất nhiều doanh nghiệp, trường học, các gia đình đang túng quẫn và người lao động mất việc. Gói cứu trợ mới còn có thể bảo toàn hàng trăm nghìn việc", ông Biden tuyên bố.
"Không còn nghi ngờ gì nữa: Nếu bạn mất việc, nếu doanh nghiệp của bạn đóng cửa, nếu trường học của con bạn phải ngừng hoạt động, nếu bạn bè và người thân của bạn bị sa thải thì Donald Trump hôm nay tuyên bố tất cả các vấn đề đó hoàn toàn không quan trọng với ông ta", ứng viên Biden nhấn mạnh.
Nhà Trắng hiện từ chối yêu cầu bình luận của CNBC.
Hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp hoặc tạm thời mất việc do hậu quả trực tiếp của đại dịch. Tốc độ tăng trưởng việc làm đang chững lại. Ngày càng có nhiều công ty môi giới và nhà kinh tế cắt giảm dự báo kinh tế quí IV.
Báo cáo việc làm gần nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy Mỹ chỉ đón nhận thêm 661.000 việc làm vào tháng trước, ít hơn con số 800.000 dự kiến. Tỉ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 7,9% - mức cao chưa từng thấy trong thời kì trước đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin vào chiều ngày 6/10 và xác nhận Tổng thống Trump đã rời cuộc đàm phán.
Chỉ vài giờ trước loạt tweet của ông Trump, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định triển vọng kinh tế Mỹ có thể lại xấu đi nếu Quốc hội không thể đạt được thỏa thuận để tung ra nhiều kích thích hơn.
Theo ông Powell, không có thêm kích thích có thể "khiến hồi phục suy yếu, gây ra khó khăn không cần thiết cho các hộ gia đình và doanh nghiệp" và cản trở đà phục hồi mà cho đến nay đã tiến triển nhanh hơn dự đoán.
"Trong khi đó, rủi ro của việc lạm dụng kích thích kinh tế cho đến nay dường như rất nhỏ. Thậm chí nếu chính phủ tung ra gói cứu trợ lớn hơn cần thiết thì cũng không có gì lãng phí. Nền kinh tế Mỹ sẽ phụ hồi mạnh mẽ và nhanh hơn nếu chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục song hành...", ông Powell nói thêm.
Nếu Washington không công bố gói cứu trợ mới, ông Trump có thể mất một chiến thắng chính trị cần thiết. Theo cuộc thăm dò mới nhất của CNBC/Change Research, cứu trợ kinh tế trong đại dịch là một vấn đề quan trọng với nhiều cử tri.
Khoảng 66% người tham gia khảo sát cho hay họ có xu hướng đồng ý với nhận định "nền kinh tế đang gặp khó khăn và chúng tôi cần thêm hỗ trợ tài chính từ Washington".
Trong khi đó, khoảng 34% nhất trí với quan điểm "nền kinh tế đang phục hồi và chúng tôi không cần thêm cứu trợ từ chính phủ liên bang".
Thị trường nhanh chóng bán tháo sau loạt tweet của Tổng thống Trump. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones xóa sạch mức tăng ban đầu và kết thúc phiên giao dịch giảm 375 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng đảo chiều và giảm 1,4% trong ngày.
Hiện tại, một số người còn đang tự hỏi tại sao thị trường không bán tháo mạnh hơn vì nhiều chiến lược gia và nhà đầu tư đang đặt cược danh mục đầu tư cổ phiếu như thể chắc chắn lưỡng đảng Mỹ sẽ thông qua gói kích thích mới.
Ông Dennis DeBusschere - chiến lược gia cổ phiếu tại công ty môi giới Evercore ISI, cho hay đà bán tháo có thể đã được kiềm chế vì loạt tweet của ông Trump làm tăng khả năng Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội.
Theo kết quả bầu cử đó, nhiều khả năng các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế lớn hơn.