Việt Nam chưa thể mở cửa ngay đón khách du lịch

Thủ tướng cho biết, đã giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, nhưng trong lúc này chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch.

Chiều 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt một số thành viên thường trực, tiêu biểu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam).

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và 20 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu của Ban IV và YPO Việt Nam.

Việt Nam chưa thể mở cửa ngay đón khách du lịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP/ Quang Hiếu)

Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã sớm đẩy lùi dịch Covid-19, kiểm soát được tình hình, 3 tháng qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. 

Trong thời điểm hiện nay, chúng ta tiếp tục chỉ đạo các biện pháp nhân văn, tổ chức các chuyến bay đón bà con ở nước ngoài về nước, trong đó có các công nhân bị nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo. 

Thủ tướng khẳng định trong quá trình chống dịch, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép, không để đứt gãy nền kinh tế.

"Cuộc gặp hôm nay chính là mong mỏi các bạn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực, nhất là 19 đối tác quan trọng của Việt Nam chưa thoát khỏi dịch bệnh. Một câu hỏi lớn là làm sao không để đổ gãy nền kinh tế, làm sao hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phát triển được", Thủ tướng đặt vấn đề.

Tại cuộc gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp trình bày các nhóm sáng kiến, giải pháp, đóng góp xung quanh các mục tiêu và ưu tiên của Chính phủ, trong đó có các giải pháp, cơ chế thu hút và dịch chuyển hiệu quả dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 chuyển đổi số để Việt Nam thay đổi vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện về đất đai, hạ tầng khu công nghiệp để đón dòng vốn mới. Một số đề nghị giảm lãi suất cho vay, tạo thuận lợi về thị thực nhập cảnh (visa) cho nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; có chính sách visa riêng cho nhân lực trình độ cao.

Đại diện doanh nghiệp du lịch mong muốn được giảm giá tiền điện bởi chiếm 20% chi phí khách sạn.

Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan tiếp thu, tổng hợp.

Thủ tướng khẳng định tinh thần không để làn sóng Covid-19 thứ 2 quay lại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Đồng thời, không để đổ gãy nền kinh tế, đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. “Đây là 2 mặt của một vấn đề, quan điểm này cần vững vàng, chứ không thể nói vào Việt Nam mà không cách li một cách phù hợp được”.

Chính phủ sẽ thúc đẩy đưa các dịch vụ hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư.

Về các giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19, Thủ tướng cho biết, đã giao cho các bộ, ngành liên quan xử lý nhưng trong lúc này chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.