Nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu vào đêm muộn 7/8 theo giờ Việt Nam. Ảnh: Getty |
Vùng quan sát nguyệt thực một phần lần này bao gồm phần lớn châu Á (trong đó có Việt Nam), châu Âu, Australia và châu Nam Cực.
Nguyệt thực về cơ bản là hiện tượng đối lập với nhật thực. Cụ thể, thay vì Mặt Trăng trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời khi nhật thực, trong thời gian xảy ra nguyệt thực, Trái Đất sẽ ở vị trí trung tâm, đổ bóng lên Mặt Trăng.
Bóng của Trái Đất gồm hai phần: vùng bóng tối (umbra) và bề mặt hình nón bóng nửa tối (penumbra). Tương tác của hai phần này với Mặt Trăng tạo ra ba dạng nguyệt thực là một phần, toàn phần và nửa tối.
Ở nguyệt thực một phần, vì Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng không nằm trên đường thẳng hoàn hảo, chỉ một phần vùng tối của Trái Đất bao phủ Mặt Trăng khiến bề mặt vệ tinh này bị che đi một phần.
Đối với nguyệt thực toàn phần, Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời xếp thẳng hàng tạo điều kiện cho Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng tối Trái Đất, bề mặt Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ hoặc nâu đậm.
Nguyệt thực bóng nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi vào phần bóng nhỏ nhất của Trái Đất, gây ra sự thay đổi rất nhỏ về màu sắc, thường chỉ được những người yêu thiên văn có kinh nghiệm nhận ra.
Nguyệt thực một phần đêm 7/8 sẽ kéo dài khoảng hai giờ. Tính theo giờ Việt Nam, hiện tượng này bắt đầu khoảng 22h50 đêm 7/8 với pha nguyệt thực nửa tối. Tới 0h22 ngày 8/8, nguyệt thực một phần xảy ra sau đó đạt cực đại lúc 1h20. Khoảng 2h18, nguyệt thực một phần kết thúc và tới 3h50, nguyệt thực bóng nửa tối cũng chấm dứt.