'Việt Nam khó có làn sóng thứ hai bùng dịch Covid-19'

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, làn sóng thứ hai được hiểu là "hết dịch rồi bùng lại". Việt Nam làm tốt việc phòng chống dịch nên khó có nguy cơ này.

Việt Nam đã trải qua 12 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Giãn cách xã hội đã dần được nới lỏng sau ngày 22/4, trừ một số khu vực nguy cơ cao. Dù số ca mắc mới chưa ghi nhận song 8 ca tái dương tính đang khiến nhiều người lo ngại.

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, Zing đã có trao đổi PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

'Việt Nam khó có làn sóng thứ hai bùng dịch Covid-19' - Ảnh 1.

Hai mối nguy cơ thường trực

- Theo ông, tình hình dịch sắp tới ở nước ta sẽ diễn biến như thế nào?

- Sắp tới, chúng ta có thể có thêm những ca mắc Covid-19 từ người nhập cảnh. Việt Nam theo chính sách bảo hộ công dân nên tiếp tục có người nhập cảnh, từ đó tiếp tục phát hiện người dương tính trong số nhập cảnh này. Hoặc những người vào nước theo đường bộ, lối mòn. Dù có ca dương tính song không đáng ngại vì chúng ta đã cách ly được số lượng này.

- Còn nguy cơ ngoài cộng đồng thì sao khi đã 12 ngày, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng?

- Những ca ngoài cộng đồng chính là mối nguy cơ thứ 2 ở nước ta. Chúng ta phải xác định vẫn còn có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng. Với các ổ dịch chúng ta từng đối phó như Sơn Lôi, bar Buddha, Bạch Mai, Hạ Lôi, một khi phát hiện, đã được phong tỏa, kiểm soát chặt từ F0, kể cả F1, F2, cách ly triệt để, hạn chế cho tiếp xúc với nhau nên đã kiểm soát tốt. Các ổ dịch được phong tỏa 28 ngày, những ai có dấu hiệu đều đã được phát hiện.

Phần lớn chúng ta quản lý được các ổ dịch. Nhưng ở cộng đồng thì khác, dù có thực hiện giãn cách xã hội cũng không thể quản được 100%. Một đất nước cả 100 triệu dân, vẫn còn đi lại, gặp nhau, hơn nữa, có nhiều người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, nguy cơ còn ca mắc ngoài cộng đồng là vẫn luôn có.

- Chúng ta đang đón nhiều người từ nước ngoài về. Như ông nói, họ đã được cách ly. Vậy, chúng ta có thể yên tâm hoàn toàn về nhóm đối tượng này không?

- Về cơ bản yên tâm. Vì họ đã được cách ly hết. Chỉ lo ngại một số vượt biên, đi qua đường mòn lối mở. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta quản lý, ngăn chặn được. Ca mắc ở Hà giang là điển hình của việc giao lưu với nước ngoài, ngay sát biên giới, song cũng không đáng ngại vì họ giao lưu không rộng và chủ yếu trong địa bàn.

- Việt Nam đã có 8 ca dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh. Điều này có đáng lo ngại?

- Điều này đã được ghi nhận. Về cơ bản chúng ta cũng đã phát hiện và cách ly được những người này. Về lý thuyết, việc tái dương tính có thể lây song thực tế, chưa ghi nhận sự lây nhiễm từ những người này. Qua đây để thấy ngươi dân không nên chủ quan, chứng tỏ virus này có những diễn biến bất thường.

'Việt Nam khó có làn sóng thứ hai bùng dịch Covid-19' - Ảnh 2.

Dù không giãn cách xã hội, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không được phép chủ quan (Ảnh: Duy Hiệu).

Làn sóng thứ hai

- Gần đây, nhiều người hay nhắc tới làn sóng thứ hai. Điều này được hiểu như thế nào và theo ông có thể xảy ra ở Việt Nam không?

- Nhiều người hay nhắc tới làn sóng thứ hai ở Singapore, được hiểu là hết dịch rồi lại bùng lại. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ làm tốt được việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, nên khó có nguy cơ này. Sắp tới, chúng ta có thể có những ổ dịch nhưng sẽ không lớn, rải rác và sẽ kiểm soát được.

Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như các nước. Điển hình là Singapore bị vỡ trận, số mắc rất cao, từ một nước từng được đánh giá cao về chống dịch.

Đến thời điểm này, Việt Nam có một số thành công. Thứ nhất, những người nhập cảnh đã được cách ly hết, phát hiện các ca dương tính, gần nhất là 2 người từ Nhật Bản trở về. Thứ 2, các ổ dịch đều đã được kiểm soát. 

Mới nhất là ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), nếu không có gì thay đổi, tới ngày 5/5, ổ dịch này sẽ được gỡ phong tỏa. Thứ 3, nhiều ngày qua, chúng ta không phát hiện các ca ngoài cộng đồng... Những thành công này một phần lớn là bởi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội đúng lúc và quyết liệt. Còn bây giờ, nếu chủ quan sẽ rất nguy hiểm.

- Vậy ông cho biết Việt Nam đã có đỉnh dịch hay chưa? Điều kiện để công bố hết dịch là gì?

- Việt Nam chưa có đỉnh dịch và nếu khống chế tốt thì làm gì có đỉnh dịch. Người ta vẫn hay nói là làm thẳng đường cong. Có đỉnh dịch hay không phụ thuộc vào việc chống dịch. Nếu chúng ta thỉnh thoảng có một vài ca thì không đáng lo.

Còn điều kiện để công bố hết dịch thì về quy định phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Đồng thời, các biện pháp chống dịch phải triển khai đầy đủ theo luật bệnh truyền nhiễm, đảm bảo dịch không còn nguy cơ. Hiện nay, dịch ở quốc tế rất phức tạp, chúng ta phải xác định duy trì phòng, chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói phải sống với dịch an toàn là vì thế.

Dù nước ta có ghi nhận các ca mắc hay không thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch. Nếu chủ quan là rất nguy hiểm. Mặc dù hiện nay chúng ta không thực hiện giãn cách xã hội, song người dân cần thực hiện 5 biện pháp sau:

Đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần.

Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người.

Hạn chế ra ngoài, nhất là những người già, người có bệnh lý nền.

Khử khuẩn, rửa tay xà phòng, sát khuẩn.

Khai báo y tế, đặc biết với những người có ho, sốt, triệu chứng nghi vấn hoặc có yếu tố dịch tễ.

Người dân cần thực hiện triệt để 5 biện pháp này. Tôi thấy những ngày gần đây người dân đã rất chủ quan khi đi tắm biển, ngồi ăn gần nhau. Người dân cứ cho rằng dịch đã hết, điều này rất đáng lo ngại. Sắp tới là kỳ lễ 30/4, tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.