'Việt Nam muốn làm chủ công nghệ thay vì chọn làm đại công xưởng của thế giới với 100 triệu người làm thuê'

"Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G. Rất ít người, kể cả trong và ngoài nước tin vào điều đó nhưng sự thật là chúng ta đã làm được", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 .

Sáng 23/12, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cùng các cơ quan liên quan và người đứng đầu các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm kể từ khi chương trình Make in Việt Nam được phát động và Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp số Việt Nam, đến nay đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời, tăng 28% so với năm trước đó.

Hiện tại, Việt Nam đang có 58.000 doanh nghiệp công nghệ số. Do đó, theo Bộ trưởng mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp số có thể rút ngắn xuống năm 2025.

Việt Nam không chọn làm đại công xưởng của thế giới với 100 triệu người làm thuê, Việt Nam muốn vươn lên dẫn đầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thư Hiền).

Nói về sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến nay Việt Nam đã làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trên không gian số.

Theo Bộ trưởng Hùng, Việt Nam cũng đứng top đầu thế giới về sáng tạo nền tảng số thời COVID-19 với một loạt các phần mềm như Ncovid, Bluezone, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn từ xa, khám chữa bệnh từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

"Nhờ đó chúng ta đã thích ứng tốt với cuộc khủng hoảng COVID-19 và nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới".

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng thông báo Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G, từ sản xuất hạ tầng 5G tới điện thoại 5G. "Rất ít người Việt Nam, kể cả trong và ngoài nước tin vào điều ấy. Nhưng sự thật là chúng ta đã làm được", Bộ trưởng chia sẻ.

"Chúng ta đã nghe nhiều, kể nhiều và có lẽ là quá nhiều các câu chuyện nước ngoài cho người Việt Nam nghe. Đã đến lúc kể câu chuyện Việt Nam - Make in Việt Nam", Bộ trưởng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Việt Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và làm ra tại Việt Nam. Thay vì gia công lắp ráp thì hãy làm sản phẩm giải bài toán Việt Nam, từ Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Muốn Make in Việt Nam thì người Việt cần phải làm chủ được công nghệ đặc biệt là một nước đi sau như Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Muốn vậy, Việt Nam phải dựa vào "chiến lược mở", lựa chọn công nghệ mở, phần mềm mở, dữ liệu mở để mọi cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo quá trình mới. Công nghệ mở là con đường để mọi công ty dù kinh doanh ở lĩnh vực nào cũng có có thể trở thành công ty công nghệ.

"Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành một quốc gia công nghệ dựa trên sự thừa hưởng tri thức nhân loại", ông Hùng nói.

"Mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, tình yêu lớn. Khi ấy những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng với khát vọng lớn vì thế chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc", Bộ trưởng gửi gắm.

Theo Bộ trưởng, năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều sản phẩm Make in Việt Nam.

Kết lại bài nói khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 đã đưa ra một thông điệp, đó là Việt Nam không chọn làm đại công xưởng của thế giới với 100 triệu người làm thuê, gia công, lắp ráp Việt Nam muốn vươn lên dẫn đầu với công nghệ do chính mình làm chủ.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.