Việt Nam xuất khẩu lô gạo đầu tiên có thuế 0% vào EU, giá hơn 1.000 USD/tấn

Lô gạo đầu tiên của Việt nam đã được xuất vào thị trường EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực với thuế suất 0%, đặc biệt với giá lên đến hơn 1.000 USD/tấn.

Vừa hưởng thuế 0% nhờ EVFTA, đơn hàng đầu tiên đã có giá tốt

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, theo đó nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được kì vọng sẽ hưởng lợi từ "cao tốc" EVFTA. 

Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn với thuế suất 0% gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm; riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau 3-5 năm.

Do đó, việc gạo Việt Nam “chinh phục” được thị trường EU sẽ giúp các thị trường khác phát triển tốt hơn. Bởi các nước sẽ đánh giá tốt hơn về chất lượng gạo Việt Nam và xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU thời gian tới sẽ khởi sắc hơn.

Thực tế, sau chưa gần 1 tháng kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, một doanh nghiệp gạo tại Cần Thơ đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên "hưởng lợi" từ hiệp định này.

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết đơn vị này đã kí hợp đồng bán gạo với 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn. 

Trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên ngày 27/8, Trung An đã giao 6 container với khối lượng tương đương khoảng 150 tấn gạo.

Hai chủng loại gạo thơm được công ty Trung An xuất khẩu lần này là gạo ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn. 

Một doanh nghiệp xuất khẩu lô gạo đầu tiên có thuế 0% vào EU với giá hơn 1.000 USD/tấn - Ảnh 1.

Trung An đã giao 6 container với khối lượng tương đương khoảng 150 tấn gạo trong đợt đầu tiên. (Ảnh: Công ty Trung An).

Ông Bình cho biết trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo ST20 có giá khoảng 800 USD/tấn còn gạo Jasmine chỉ có giá tầm 520 USD/tấn.

“Từ lâu, doanh nghiệp đã khai thác khá tốt thị trường EU. Tuy nhiên, đây là lô gạo đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực được bán với thuế suất 0%. Ngoài tác động tích cực của việc giảm thuế, thị trường gạo năm nay sôi động hơn, giá xuất khẩu vì thế cũng cao hơn", ông Bình lí giải.

Giá cao đổi lại chất lượng phải đạt chuẩn EU

Theo ông Bình, so với các thị trường nhập khẩu khác, thói quen tiêu dùng của thị trường EU là chấp nhận gạo với mức giá cao, có sản phẩm gạo lên đến 2.000 USD/tấn, đổi lại được đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các giá trị dinh dưỡng và các tiêu chuẩn khác được đặt lên hàng đầu.  

"Chỉ cần không đạt được được các tiêu chuẩn do EU ban hành về xuất xứ hàng hóa, điều kiện kho bãi, điều kiện môi trường, điều kiện về vệ sinh anh toàn thực phẩm, hàng hóa sẽ không thể vào được thị trường này", Giám đốc Công ty Trung An chia sẻ. 

Riêng với gạo thơm, theo qui định, các lô hàng gạo thơm thuộc diện hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan của EVFTA.

Do đó, dù là cơ hội lớn, nhưng để gạo Việt vào được thị trường EU là thách thức cũng không nhỏ đối với các doanh nghiệp.

Thêm vào đó, thị trường này lại đang chuộng các sản phẩm gạo của Thái Lan, Campuchia, Myanmar… và trong tổng số hạn ngạch dành cho gạo Việt Nam lại có một lượng dành cho các chủng loại gạo đặc sản, hiện sản lượng và vùng trồng các chủng loại gạo này cũng không lớn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu lô gạo đầu tiên có thuế 0% vào EU với giá hơn 1.000 USD/tấn - Ảnh 2.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. (Nguồn: Bnews).

Tuy nhiên, đại diện TAR cũng nhìn nhận rằng, dư địa vào thị trường này vẫn còn rất lớn. Bởi theo thống kê, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn đang ở mức thấp, đạt khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD năm 2019.

Trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, EVFTA được xem cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu của người viết, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có kết quả kinh doanh quí II/2020 nổi bật với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt so với cùng kì năm ngoái trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều phức tạp.

Báo cáo tài chính quí II doanh nghiệp này cho biết, doanh thu thuần đạt hơn 906,3 tỉ đồng, tăng gần 98,5% so với quí II năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32,1 tỉ đồng, gấp 32 lần so với con số lợi nhuận chỉ hơn 1 tỉ đồng của cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 1.560 tỉ đồng, tăng hơn 93,3% so với cùng kì, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 68 tỉ đồng, gấp 4,5 lần so với con số 15 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 64 tỉ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kì năm ngoái.

Như vậy, sau nửa năm, TAR đã thực hiện được hơn 44,5% mục tiêu doanh thu của năm nay (3.500 tỉ đồng) và gần 61% mục tiêu lợi nhuận cả năm (105 tỉ đồng).

Một trong những kế hoạch phát triển năm nay của công ty là sẽ tiếp tục mở rộng thị trường gạo xuất khẩu hướng tới các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc với tỉ suất biên lợi nhuận cao hơn.

"Công ty sẽ phát triển đẩy mạnh bán lẻ xuất khẩu, đưa thương hiệu gạo sạch Trung An lên các kệ hàng tại các siêu thị ở các nước phát triển. 

Các thị trường đầu tiên công ty dự định phát triển là thị trường Ukraina, thị trường Đức, thị trường Australia, thị trường Mỹ. Việc lựa chọn các thị trường này sau khi công ty đã nghiên cứu nhu cầu tập khách hàng tại các thị trường", ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.