Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cho biết trong năm 2018, tổng doanh thu của công ty đạt gần 3.800 tỉ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước 1.200 tỉ.
Tiền nộp vào ngân sách nhà nước là thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ người trúng thưởng, cùng một phần lợi nhuận được phân bổ vào ngân sách địa phương tuỳ vào tỉ lệ doanh thu.
Tổng lợi nhuận của Vietlott có được trong năm 2018 là 260 tỉ đồng. Đáng chú ý, khoảng một nửa số lợi nhuận này đến từ việc nhiều giải xổ số độc đắc từ hàng chục tỉ, đến hơn trăm tỉ đồng không có người nhận.
Năm 2018, Vietlott từng công bố nhiều giải thưởng có giá trị lớn nhưng người trúng không liên hệ nhận giải. Các giải thưởng này có giá trị từ 10 tỉ đến hơn cả trăm tỉ đồng.
Tổng số tiền từ 3 giải độc đắc không có người nhận trị giá 131,5 tỉ đồng đã được Vietlott hạch toán vào nguồn thu nhập khác trong năm 2018. (Ảnh: V.F).
Cụ thể, kì quay số mở thưởng giải Power 6/55 ngày 30/1 năm ngoái xác định có 1 vé trúng giải độc đắc trị giá 10,5 tỉ đồng nhưng đến hết thời hạn liên hệ nhận giải, chủ nhân của chiếc vé may mắn vẫn bặt vô âm tín.
Tại kì quay số mở thưởng ngày 13/7/2018 của giải Mega 6/45, Vietlott tiếp tục xác định được chủ nhân của một chiếc vé độc đắc trúng hơn 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, người may mắn đã mua chiếc vé này cũng không đến nhận thưởng.
Tại một số thời điểm, giá trị những giải thưởng của loại hình xổ số điện toán này liên tiếp tăng làm hấp dẫn người chơi. Cuối năm 2017, giải Mega 6/45 xác định một chiếc vé trúng giải độc đắc với số tiền khổng lồ lên đến 105 tỉ đồng, nhưng quá thời hạn nhận giải chủ nhân chiếc vé này cũng đã… "chê" không liên hệ Vietlott nhận giải.
Theo quy định, sau thời điểm công bố dãy số trúng thưởng, chiếc vé chỉ có giá trị trong thời hạn 60 ngày. Nếu chủ nhân chiếc vé trúng không tiến hành thủ tục nhận thưởng thì vé đó không còn giá trị.
Tại Nghị định số 122/2017/CP-NĐ qui định nếu hết thời hạn lãnh thưởng giải Jackpot nhưng người trúng không đến nhận thưởng thì Vietlott được phép hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.
Như vậy, tổng số tiền từ 3 giải độc đắc không có người nhận trị giá 131,5 tỉ đồng này đã được Vietlott hạch toán vào nguồn thu nhập khác của doanh nghiệp, hay nói cách khác là đưa vào lợi nhuận trước thuế.
Đây chỉ là những giải thưởng có giá trị cao đáng chú ý, bởi thực tế có thể có nhiều giải thưởng có giá trị thấp hơn nhưng người nhận giải không đến nhận đều được đưa vào thu nhập khác của hãng.
Khoảng một nửa lợi nhuận năm 2018 của Vietlott đến từ số tiền khổng lồ mà người chơi trúng thưởng nhưng không đến nhận, điều này càng khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của loại hình xổ số này.
Theo công bố của Vietlott, khả năng trúng giải độc đắc Power 6/55 là 1/28,9 triệu, gấp hơn 3 lần so với xác suất trúng giải độc đắc của loại hình Mega 6/45. Nhiều người đã ví xác suất trúng giải thưởng cao nhất của Vietlott còn… khó hơn lên trời.
Việc đeo mặt nạ khiến nhiều người hoài nghi về tính minh bạch của giải thưởng.
Tuy nhiên, trái ngược với xác suất tưởng chừng không thể có được người trúng thì tại các kì quay số mở thưởng của Vietlott, liên tục có nhiều khách hàng trúng độc đắc, với những giải thưởng vài tỉ, vài chục tỉ hoặc thậm chí kỉ lục là 304 tỉ từ một người chơi may mắn tại Hà Nội vào năm ngoái.
Theo thống kê của doanh nghiệp, năm 2018 đã có 73 khách hàng trúng giải Jackpot của hai sản phẩm Mega 6/45 và Power 6/55 với tổng lượng tiền thưởng lên tới hơn 1.700 tỉ đồng.
Ngoài ra, việc người trúng thưởng luôn đeo mặt nạ Pikachu, chú tễu để nhận giải càng khiến khách hàng hoài nghi về tính minh bạch của Vietlott, bởi họ không biết chính xác những người phía sau chiếc mặt nạ này là ai và làm gì.
Tổng giám đốc Vietlott - ông Nguyễn Thanh Đạm, từng cho biết việc không công bố tên người nhận giải nhằm đảm bảo quyền riêng tư của chủ nhân giải thưởng để tránh các phiền toái sau khi có được một số tiền lớn.
Ông Đạm cũng cho rằng pháp luật cho phép người trúng yêu cầu Vietlott không cung cấp tên và hình ảnh. Vì thế, khi người trúng thưởng yêu cầu bảo mật thông tin, công ty phải giấu tên tuổi và hình ảnh của họ theo đúng qui định pháp luật.
Ông cũng cho rằng một số người trúng trước đó đã yêu cầu được công khai danh tính nên sau đó gặp nhiều rắc rối như người thân, bạn bè đến mượn tiền, thậm chí từ những người không quen biết hoặc các doanh nghiệp bất động sản chào bán dự án…