Trong báo cáo công bố mới đây, thay vì chọn cổ phiếu theo ngành, VinaCapital có xu hướng nghiêng về lựa chọn cổ phiếu tiềm năng. Lý giải cho quan điểm đầu tư này, quỹ cho biết các cổ phiếu trong cùng ngành có những sự chênh lệch nhất định, thậm chí một cổ phiếu tốt cũng không thể phản ánh triển vọng của toàn ngành.
Danh mục đầu tư của VinaCapital được lựa chọn theo các tiêu chí đã định trong rổ Danh mục Nghiên cứu 1 (RP1). Theo tìm hiểu, RP1 là danh sách các cổ phiếu mà quỹ thiết lập nhằm hội tụ đủ các yếu tố của một danh mục đầu tư lý tưởng.
Triết lý đầu tư của VinaCapital là tập trung vào các công ty có các yếu tố cơ bản ổn định (bao gồm chất lượng quản lý, bảng cân đối kế toán, khả năng phục hồi thu nhập, khả năng sinh lời, thị phần và vấn đề nhượng quyền thương mại), kết hợp với các yếu tố thị trường.
VinaCapital chỉ điều chỉnh danh mục đầu tư khi có những thông tin liên quan đến thay đổi trong tăng trưởng của doanh nghiệp, chính sách và sẽ xem xét gia tăng hoặc giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu đó dựa trên giá trị đầu tư ban đầu.
Để hoàn thiện bức tranh triển vọng các ngành trong năm 2021, dưới đây là những nhận định tổng quan của VinaCapital, trong đó quỹ tập trung vào ba ngành chính: ngân hàng, bất động sản và nguyên vật liệu.
Sự chậm trễ trong việc nối lại các chuyến bay quốc tế tiếp tục là vấn đề chính đối với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air và các doanh nghiệp dịch vụ như Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) và Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST).
Theo VinaCapital, giải pháp quan trọng nhất đối với ngành hàng không là các gói hỗ trợ của chính phủ bởi quỹ cho rằng các chuyến bay thương mại và du lịch quốc tế sẽ không thể hồi phục trong năm 2021.
Dự kiến Vietnam Airlines và Vietjet Air nhận được khoản vay 4.000 tỷ đồng và được miễn lãi trong vài năm đầu.
Đối với ACV, việc chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) tiếp tục bị trì hoãn khiến VinaCapital cảnh giác cổ phiếu này. Theo giải trình của ACV, các vấn đề quản lý cơ sở hạ tầng hàng không bao gồm đường băng và quyền sở hữu đã làm chậm trễ quá trình niêm yết.
Năm 2021, VinaCapital kỳ vọng triển vọng tốt hơn cho ngành ngân hàng nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn (3,68%), phí giao dịch và phí bảo hiểm cao hơn (chiếm 13,4% tổng thu nhập), chi phí tín dụng ổn định (1,69%), tăng trưởng tín dụng (12,8%) do (i) một số ngân hàng tất toán sạch nợ nấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2020 như BID, CTG, MSB và (ii) một số ngân hàng đã chủ động trong việc trích lập dự phòng như VCB, TCB.
Theo đánh giá của quỹ, tăng trưởng lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng trong 2021 được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 14,0% từ mức 9,9% của năm tài chính 2020.
Rủi ro của ngành xoay quanh vấn đề chất lượng tài sản. Khả năng gia hạn Thông tư 01 và việc 40,5% các khoản vay thường được tái cơ cấu thanh toán hoặc miễn lãi (tính đến ngày 21/12/2020) khiến VinaCapital phải cảnh giác về tình trạng nợ xấu và các khoản dự phòng.
Các doanh nghiệp bán lẻ báo cáo kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng kể từ tháng 5/2020 và dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2021.
Rủi ro của toàn ngành liên quan đến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm, theo đó tác động đến thu nhập và tâm lý của người tiêu dùng. Việc bán tài sản chậm hơn so với các giao dịch mua liên quan đến nhà (thiết bị, đồ dùng lâu bền, điện tử tiêu dùng) có thể được coi là một rủi ro giảm.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành bán lẻ vẫn là sự lựa chọn hấp dẫn đối với nhà đầu tư bởi lực lượng lao động trẻ, tay nghề cao cùng với tầng lớp trung lưu gia tăng (tăng 18% trong năm 2020), tốc độ đô thị hóa (37%) và thương mại bán lẻ.
Sự gia tăng trong chi tiêu cơ sở hạ tầng của chính phủ trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho ngành xây dựng, theo đó thúc đẩy việc sản xuất nguyên vật liệu. Vấn đề chính của ngành sẽ là chi phí đầu vào (giá quặng sắt, giá than luyện cốc và giá thép phế liệu, giá dầu và giá điện).
Việc Trung Quốc tái cơ cấu các ngành công nghiệp thép và xi măng cũng như tốc độ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của nước này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của toàn cầu và Việt Nam. Việc dỡ bỏ hoặc gia hạn thuế chống bán phá giá cũng là một vấn đề cần xem xét (ví dụ như thuế chống bán phá giá đối với phôi thép và thép dài dự kiến sẽ được xóa bỏ vào năm 2021).
Triển vọng của ngành dầu khí tiếp tục chịu ảnh hưởng của diễn biến giá dầu. VinaCapital kỳ vọng giá dầu thế giới sẽ đạt 50 USD/thùng vào năm 2021, hỗ trợ cho các dự án khí đốt trong nước, trong đó có nhiều dự án đã được khởi động từ trước (ví dụ như mỏ khí Kèn Bầu).
Năm 2020, phát triển ngành dầu khí trong nước bị đình trệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến một số công ty như PVS, PVD. Nhu cầu về khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) cao trong năm tới có thể mở ra cơ hội cho một số doanh nghiệp như GAS và PVS. Đồng thời, sản lượng xăng dầu cải thiện vào năm 2021 sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp như PLX và PVT.
Giá dầu cùng với tốc độ hồi phục của kinh tế toàn cầu, sản lượng của OPEC và Mỹ là những nhân tố chính ảnh hưởng đến triển vọng của toàn ngành.
Trong năm 2020, doanh số bán hàng ngành bất động sản đã giảm 20 - 30% so với mức trước Covid-19.
Với môi trường pháp lý nghiêm ngặt và chiến dịch chống tham nhũng dẫn đến các quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài sản ở TP HCM, hoạt động trong ngành bất động sản đã giảm đáng kể trong năm 2020. Tuy nhiên, doanh số cải thiện trong quý IV cùng với giá cả ổn định có thể kéo dài đến năm 2021 do cầu vượt cung.
Trong khi đó, tại Hà Nội, nguồn cung có phần dồi dào, phần lớn đến từ các dự án của Vinhomes. Theo đó, tốc độ triển khai các dự án mới và doanh số bán hàng năm 2021 dự kiến sẽ thấp hơn so với TP HCM.
VinaCapital kỳ vọng doanh số bất động sản sẽ tăng tới 90% trong năm 2021 với lợi nhuận ròng sẽ tăng cao nhờ lãi suất thế chấp thấp hơn. Tuy nhiên, thu nhập, thất nghiệp, sự chậm trễ trong việc mở bán các dự án là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng của toàn ngành.
Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ điện ước tính đạt 8 - 11% mỗi năm, theo đó thúc đẩy nhu cầu tăng gấp đôi mức hiện tại vào năm 2030. Về mặt cấu trúc, năng lượng tái tạo (nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió) sẽ là lĩnh vực trọng tâm trong năm 2021 với cơ chế định giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện tại của ngành là mạng lưới điện quốc gia không đủ để truyền tải hết công suất của năng lượng tái tạo. Nguồn cung và chi phí đầu vào cũng sẽ là những yếu tố cần cân nhắc đối với triển vọng các doanh nghiệp ngành này.