Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 vừa công bố của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG), công ty ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 4.567 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ.
Song, biên lợi nhuận gộp giảm, doanh thu tài chính giảm cùng với việc ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết, trong khi các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý đều tăng so với cùng kỳ. Kết quả, Vinaconex báo lãi sau thuế giảm 24% còn 130 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 6.532 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%. Biên lợi nhuận thuần cũng giảm từ 20% cùng kỳ còn 2%.
Năm nay, công ty đặt kế hoạch lãi sau thuế 860 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã thực hiện 16% kế hoạch.
Sự tăng trưởng ngược chiều của doanh thu thuần và lãi sau thuế này đã được lãnh đạo Vinaconex cho biết trước thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay của doanh nghiệp.
Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức hồi tháng 4, Chủ tịch HĐQT công ty, ông Đào Ngọc Thanh cũng từng chia sẻ: “Lợi nhuận Vinaconex phụ thuộc vào ba trụ cột. Bên cạnh việc đầu tư tài chính thì ổn định, bất động sản lợi nhuận các hạng mục lớn nhưng số lượng hạng mục ghi nhận cho 2023 không nhiều.
Riêng với đầu tư công, giá trị dự án rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%".
Trong cơ cấu doanh thu thuần nửa đầu năm nay, hoạt động xây lắp chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 3.922 tỷ đồng được ghi nhận trong nửa đầu năm. Biên lợi nhuận gộp của hoạt động này đạt 2%. Bên cạnh đó, công ty cũng có thêm doanh thu từ kinh doanh bất động sản hơn 1.659 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp gần 29%.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Vinaconex giảm gần 600 tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận ở mức 31.404 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Thủy điện Đăk Ba (giảm 74% còn 327 tỷ đồng).
Ngược lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại hầu hết các dự án bất động đều tăng so với đầu năm, trong đó, chi phí tại dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà (dự án Cát Bà Amatina) đã tăng 8% lên gần 5.095 tỷ đồng.
Đây là cũng là dự án có chi phí xây dựng lớn nhất của Vinaconex tại thời điểm cuối quý II và được Vinaconex xác định là dự án trọng điểm. Công ty cũng lên kế hoạch tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án trong năm nay.
Dự án có quy mô vốn đầu tư 10.942 tỷ đồng, với tổng diện tích 172 ha, nằm tại TP Hải Phòng. Tính đến tháng 4, dự án đã xây dựng xong 99 lô biệt thự khu A1 để bàn giao cho khách hàng trong năm 2022 và 2023 và xây thô 51 căn khu A3, A4.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án khác như dự án Kim Văn Kim Lũ (507 tỷ đồng), dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ (423 tỷ đồng), dự án 93 Láng Hạ (84 tỷ đồng), dự án số 1 Huỳnh Tịnh Của, Nha Trang (33,6 tỷ đồng) cũng tăng so với đầu năm.
Trong đó, dự án Green Diamond 93 Láng Hạ đang thực hiện bán hàng, bàn giao nhà cho khách hàng và dự kiến ghi nhận toàn bộ kết quả kinh doanh trong quý III này. Còn dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ được lên kế hoạch đi vào hoạt động cho thuê trong 6 tháng đầu năm nay.
Về phần nợ vay tài chính, tại cuối quý II, dư nợ của Vinaconex đạt 13.351 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu và đã giảm khoảng 162 tỷ đồng so với đầu năm, phần lớn là nợ vay ngân hàng.