KCN công nghệ cao tại Hoà Lạc của Vinaconex đã hút 12 nhà đầu tư thứ cấp, cuối năm 2024 sẽ hoàn chỉnh toàn bộ hạ tầng

Từ quý II năm nay, Vinaconex sẽ triển khai thi công thi công các hạng mục như 14 km đường giao thông và 56 km hệ thống cấp thoát nước... thuộc dự án KCN công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hoà Lạc, dự kiện sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý IV/2024.

Một góc khu công nghệ cao Hoà Lạc hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Dự án này thuộc phân khu chức năng số 4 - Khu công nghệ cao Hoà Lạc, được hình thành trên cơ sở sáp nhập KCN Bắc Phú Cát do Vinaconex làm Chủ đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và theo quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghệ cao Hòa Lạc được phê duyệt năm 2008.

Đã có 12 nhà đầu tư thứ phát thuê đất

Trước thời điểm sáp nhập, Vinaconex đã cho 5 nhà đầu tư thuê lại đất với tổng diện tích 18,6 ha. Ngay sau khi có quyết định sáp nhập, Vinaconex đã thực hiện quyết toán dự án KCN Bắc Phú Cát theo quy định và được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoàn trả kinh phí GPMB và chi phí đầu tư vào dự án.

Đồng thời, với tư cách là nhà đầu tư phát triển hạ tầng, Vinaconex đã tiến hành thuê đơn vị tư vấn lập và trình phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN công nghệ cao 2 – Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm cơ sở triển khai việc lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN công nghệ cao 2.

Ngày 26/12/2012, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số cho Vinaconex thực hiện đầu tư KCN công nghệ cao 2.

Năm 2014, Vinaconex đã được cho thuê 207,8 ha đất để thực hiện dự án, doanh nghiệp sau đó đã chủ động thi công hạ tầng. Đến nay, KCN công nghệ cao 2 đã có 12 nhà đầu tư thứ phát thuê hạ tầng với tổng diện tích thuê là 58,48 ha/187,63 ha, chiếm 31,1% diện tích có thể cho thuê.

Tuy nhiên, hiện nay, phần hạ tầng kỹ thuật KCN công nghệ cao 2 vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục đầu tư bằng vốn ngân sách chưa được bố trí vốn dẫn đến chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bản vẽ quy hoạch KCN công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hoà Lạc. (Ảnh chụp từ ĐTM).

KCN Công nghệ cao 2 thuộc địa phận xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) và xã Thạch Hoà, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất), Hà Nội với tổng diện tích khoảng 270,8 ha.

Cụ thể, có 69 ha đã cho các nhà đầu tư thứ phát thuê; 10,8 ha đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; diện tích UBND tỉnh Hà Tây cũ cho nhà đầu tư thuê đất là 3,07 ha. Phần diện tích đất còn lại chưa sử dụng là 195,4 ha.

Phía bắc dự án tiếp giáp Đại lộ Thăng Long; phía nam giáp khu Nông Lâm (khu tái định cư của huyện Quốc Oai); phía đông giáp đường theo quy hoạch mặt cắt 50 m; phía tây giáp khu Trung tâm dịch vụ Bắc Phú Cát, Khu nhà ở và hỗn hợp của khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Về hiện trạng, trong phạm vi dự án đã có các nhà máy đi vào hoạt động gồm: Nhà máy Đá cao cấp; Nhà máy ống sợi Thủy tinh; Nhà máy cửa chống cháy Vinasawa; CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A có 3 nhà máy.

Công trình đang xây dựng tại đây có Nhà máy in tiền quốc gia. Có công trình cổng vào chính thi công dở chưa hoàn thiện sẽ dỡ bỏ để xây mới. Trên khu đất còn có một công trình miếu 75 m2, một ngồi chùa là Chùa Mận 1.645 m2.

Sẽ xây dựng 14 km đường giao thông và 56 km hệ thống cấp thoát nước

Về giao thông, tại phía bắc của dự án có trục đường Đại lộ Thăng Long đã thi công hoàn chỉnh; phía đông giáp tuyến đường vành đai phía Đông Khu công nghệ cao Hoà Lạc (rộng 50 m); phía tây bắc đã xây cầu vượt trên không nối sang KCN công nghệ cao 1 bắc qua tuyến đường Đại Lộ Thăng Long. Tại phía tây dự án đã triển khai thi công một phần tuyến đường B3 dài 600 m, rộng 31m. Phía nam dự án quy hoạch tuyến đường vành đai phía nam rộng 50 m.

Do KCN công nghệ cao 2 chưa hoàn thành công tác đền bù GPMB, vẫn còn nhiều phần diện tích vướng mắc nên một số tuyến đường, hạ tầng kỹ thuật kèm theo chưa thể hoàn thành xây dựng theo đúng thiết kế.

Hiện nay, vướng mắc về mặt bằng đang được Chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tập trung tháo gỡ để có thể hoàn thành các dự án đường và công trình theo đường sử dụng vốn NSNN theo tiến độ đề ra (đã bố trí vốn đầu tư trung hạn 2021 - 2025).

Các hạng mục tại dự án bao gồm hệ thống đường giao thông và các hạ tầng theo đường (vỉa hè cây xanh, thảm cỏ,...) theo quy hoạch phân khu (không bao gồm các tuyến đường giao thông chung và hạ tầng theo đường do nhà nước đầu tư) với tổng chiều dài khoảng 14 km và các điểm đấu nối giữa hạ tầng phân khu và hạ tầng chung. 

Hệ thống cấp nước sẽ xây dựng tuyến ống dài khoảng 17 km, phân phối nước sạch từ điểm đấu nối cấp nước của hệ thống nước sạch Sông Đà đến các lô đất (bao gồm cả hệ thống cấp nước theo các tuyến đường do nhà nước đầu tư), trạm bơm tăng áp, các điểm chờ đấu nối cấp nước.  

Hệ thống cống thoát nước mưa sẽ có kết cấu bằng bê tông cốt thép bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông (không bao gồm hệ thống thoát nước mưa dọc theo các tuyến đường do nhà nước đầu tư) với tổng chiều dài 24 km, các hố ga đấu nối thoát nước mưa của các lô đất.

Hệ thống cống thu gom và thoát nước thải sẽ có kết cấu bằng bê tông cốt thép bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông (bao gồm cả hệ thống cống thoát nước thải dọc các tuyến đường do nhà nước đầu tư) với tổng chiều dài khoảng 15,4 km, các trạm bơm tăng áp, các hố ga đấu nối thoát nước thải.

Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống cấp điện động lực; điện chiếu sáng; viễn thông và thông tin liên lạc; điện chiếu sáng; hệ thống cây xanh... 

Phần tường rào đã được thi công xây dựng một phần tại ranh giới phía đông dự án có chiều dài khoảng 500 m (Từ vị trí cổng phụ về phía bắc 200 m; từ cổng phụ về phía nam 300 m) sẽ được dỡ bỏ.

Tổng mức đầu tư cho dự án là 938 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường là hơn 6 tỷ đồng. Về tiến độ, từ quý II năm nay đến quý IV/2024 dự án sẽ thực hiện đầu tư. Từ quý IV/2024 kết thúc đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng.

Vinaconex có kế hoạch làm 2 dự án công nghiệp khác ở Hà Nội 

Một dự án của Vinaconex. (Ảnh: Hoàng Huy).

Về Vinaconex, doanh nghiệp này tiền thân là một Tổng công ty Nhà nước thành lập từ 1988, năm 2006 doanh nghiệp này đã cổ phần hoá và niêm yết vào năm 2008. Từ 2018, Vinaconex không còn cổ phần của Nhà nước. Đến 2020, doanh nghiệp chuyển sàn niêm yết trên HOSE.

Các mảng hoạt động chính của Vinaconex là kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp các công trình dân dụng, đầu tư kinh doanh hạ tầng dịch vụ khu công nghiệp...

Tại báo cáo thường niên năm 2023 của Vinaconex, dự án KCN Công nghệ cao 2 có tổng mức đầu tư 2.001 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và vận hành duy tu bảo dưỡng là 1.579,29 tỷ đồng, chi phí san lấp mặt bằng là 422 tỷ đồng. Dự án này được chia thành 2 phân kỳ: 2012 - 2020 và 2021 - 2025.  

Trong tài liệu ĐHĐCĐ 2023, Vinaconex cho biết bên cạnh CCN Sơn Đông, doanh nghiệp cũng đang xúc tiến đầu tư một dự án khác ở Hà Nội là Khu công nghiệp Đông Anh. 

Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã hút hơn 100 dự án đầu tư 

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc đô thị vệ tinh Hoà Lạc nằm ở phía tây Hà Nội, thuộc địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất, Hà Nội. Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 30 km về phía đông bắc.

Dự án được thành lập vào tháng 10/1998 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung vào năm 2016 với diện tích 1.586 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích, gồm 8 phân khu chức năng.

Sau gần 25 năm, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông tại khu vực phía bắc Đại lộ Thăng Long bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Đến nay, tại đây có hơn 700 ha đất sạch, hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ; đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài.