Theo đánh giá của bà Mai kiều Liên, Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), Mộc Châu Milk là thương hiệu rất tốt và có tiềm năng phát triển. Thương hiệu của Mộc Châu Milk được định hướng sẽ phát triển song song với các thương hiệu của Vinamilk hiện nay.
"Vinamilk tiếp quản Mộc Châu Milk từ tháng 1/2020 và ngay sau đó, dịch Covid-19 kéo dài mất 4 tháng.
"Sau khi về với Vinamilk, lợi nhuận của Mộc Châu Milk tăng hơn 20% so với cùng kì. Nhân sự của Mộc Châu Milk sẽ không có sự thay đổi. Còn sản xuất sẽ áp dụng qui trình mới theo kinh nghiệm sẵn có của Vinamilk, bắt đầu từ khâu mua nguyên liệu để tiết kiệm chi phí.
"Kế hoạch cho thời gian tới, Vinamilk sẽ xây dựng lại toàn bộ hệ thống phân phối, kì vọng sản phẩm của Mộc Châu Milk sẽ đi rộng hơn và xa hơn. Kết quả đầu tư vào Mộc Châu Milk sẽ có vào cuối năm nay", bà Mai Kiều Liên cho hay.
Tổng Giám đốc Vinamilk thông tin thêm đến hiện tại, công ty đã có kế hoạch nâng cấp nhà máy và trang trại, cũng như có kế hoạch tăng vốn ở Mộc Châu Milk. Bà Liên lí giải: "Phải tăng vốn mới có tiền đầu tư, muốn đầu tư cũng cần trên 1.000 tỉ đồng".
Hiện nay, công suất của nhà máy Mộc Châu Milk vẫn còn nhỏ. Do vậy, thời gian tới Vinamilk sẽ xây dựng trang trại hiện đại, theo tiêu chuẩn của Vinamilk với 4.000 con bò để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Về đất đai phục vụ việc xây dựng trang trại, Vinamilk đã làm việc với UBND tỉnh Sơn La và cơ bản đã được tỉnh đồng thuận cho triển khai.
Tổng Giám đốc Vinamilk nhận định, organic đang là xu hướng của thế giới. Không chỉ riêng Singapore, Vinamilk còn mong muốn tăng độ phủ của sản phẩm này tại những thị trường khó tính và có thu nhập cao khác.
"Bản thân những thị trường này đã có sản phẩm organic rồi, Vinamilk đang từng bước thực hiện để đưa sản phẩm vào các thị trường này. Chúng tôi mới liên doanh với Lào làm trang trại 24.000 con, toàn bộ đều là organic", bà Kiều Liên cho hay.
Liên quan đến giá bán, lãnh đạo Vinamilk cho biết chưa có kế hoạch tăng giá trong năm nay. Việc tăng giá chỉ bắt buộc thực hiện khi giá nguyên liệu tăng quá cao.
Bà Liên chia sẻ, "Việc tăng giá cũng ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng, khiến sản lượng giảm trong thời gian ngắn. Khi nào giá nguyên liệu chấm dứt tăng, Vinamilk sẽ chấm dứt tăng giá. Giá cả phụ thuộc vào cơ chế thị trường".
Theo số liệu cập nhật từ Tổng Giám đốc Vinamilk, trong 6 tháng đầu năm thị trường nội địa tăng khoảng 12,4% và thị trường xuất khẩu tăng 26,6%. Theo đó, uớc tính doanh thu Vinamilk tăng 7%, lợi nhuận trước và sau thuế tăng 3% so với cùng kì (tức khoảng 2.991 tỉ đồng).
Tuy nhiên, bà Liên cũng lưu ý, ảnh hưởng lớn nhất từ COVID-19 đối với Vinamilk không phải ở thị trường tiêu thụ truyền thống hay các kênh hiện đại, mà chủ yếu ở kênh Sữa học đường.
Bà Liên phân tích, "khi Sữa học đường không có, doanh thu và thị phần đều giảm. Sữa học đường bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng 5, đã có sự hồi phục tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Tôi hi vọng hai quí cuối năm sẽ khả quan hơn".
Đối với việc phát triển đàn bò sữa, tiến độ thực hiện vẫn đang theo kế hoạch đề ra. Dự kiến đến cuối năm nay, trang trại 4.000 con ở Quảng Ngãi sẽ đi vào hoạt động.
"Đáng lí ra, trang trại này đã xong nhưng vì COVID-19 nên công tác lắp đặt thiết bị, hệ thống vắt sữa bị hoãn, chuyên gia không vào Việt Nam được nên chưa thể lắp. Tôi hi vọng 1-2 tháng tới giải quyết được vấn đề này sẽ giúp công ty có thêm một trang trại mới", Tổng Giám đốc Vinamilk cho hay.
Tại đại hội, cổ đông cho rằng Vinamilk hiện nắm 60% thị phần sữa tại Việt Nam, một tỉ lệ khá lớn so với các nước trên thế giới.
Trong khi đó, ba công ty lớn nhất ở Trung Quốc cũng chỉ nắm hơn 50% thị phần, hay ba công ty lớn nhất ở Ý chỉ nắm hơn 20% thị phần. Điều này đặt ra câu hỏi liệu việc Vinamilk tiếp tục tăng thị phần có khả thi không?
Phản hồi về vấn đề này, bà Mai Kiều Liên cho rằng, "có những điều Việt Nam làm được mà những nước khác không làm được và ngược lại, tùy thuộc từng ngành nghề và đặc thù của ngành.
Đối với Vinamilk, công ty đi lên từ con số 0 và đến bây giờ vừa có trang trại, vừa có vùng nguyên liệu và có thể có nhà máy hiện đại.
Trong kế hoạch 5 năm, mục tiêu của Vinamilk mỗi năm lấy được 1% thị phần, hiện nay công ty vẫn thực hiện đúng tiến độ.
Dù là đối thủ trong nước hay nước ngoài, Vinamilk cũng có đối sách cụ thể để giữ và phát triển thị phần. Tôi nghĩ vẫn tăng thị phần được, hơn 50% vẫn còn dư địa hơn 40% còn lại. Trong 5 năm tới, ĐHĐCĐ sẽ quyết định tăng bao nhiêu và tăng như thế nào".