Vinastas có sai sót trong việc công bố khảo sát nước mắm

Ngày 8/11, Bộ Công Thương công bố kết quả thanh tra Liên bộ, theo đó, việc khảo sát nước mắm của Vinatas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch.

Kết thúc đợt kiểm tra kéo dài hơn một tuần, ngày 8/11, Bộ Công Thương công bố kết luận của Đoàn Thanh tra Liên bộ (Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Theo đó, Đoàn Thanh tra xác định Hiệp hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch trong vụ khảo sát nước mắm.

vinastas co sai sot trong vu cong bo khao sat nuoc mam
Vinastas có sai sót trong vụ công bố khảo sát nước mắm

Vinastas đã không xây dựng Đề án, Kế hoạch khảo sát rõ ràng. Khảo sát chủ yếu do Chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của Vinastas phê duyệt và giám sát.

Trong quá trình lấy (mua) mẫu thiếu tin cậy, toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán (89 mẫu); 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập.

Có sự không thống nhất trong quá trình mã hóa mẫu; một số mẫu không được mã hóa trước khi yêu cầu thử nghiệm.

Theo thông tin do Vinastas cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài. Vì vậy, không đảm bảo tính độc lập như quy định tại Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, Vinastas đồng nhất khái niệm Arsen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”- một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” trên trang web của Vinastas ngày 18 tháng 10 năm 2016 có nội dung “104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về Arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc” là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ khoa học và pháp lý, gây hoảng loạn và bức xúc trong xã hội.

Việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của Vinastas có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.

Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

Yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát nước mắm gây hoang mang trong dư luận; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo Điều lệ các cá nhân liên quan.

Giao Bộ Nội vụ xác minh, làm rõ tư cách pháp lý của Vinastas trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động của Vinastas.

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật.

Về tư cách pháp lý của Vinastas khi tham gia thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định "tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Điều 28 của Luật quy định về nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội. Trong khi đó, theo Điều lệ, Vinastas là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Vì vậy, theo Bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước về Hội cần phân định rõ tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, từ đó có cơ sở xác minh Vinastas có đủ tư cách pháp lý để thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Điều 28 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không.

Việc thực hiện Điều lệ của Vinastas: Kết quả kiểm tra cho thấy trong nhiệm kỳ V (2011-2015), Vinastas đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng một số nội dung được quy định trong Điều lệ, cụ thể là:

- Chưa xây dựng Quy chế quản lý và hoạt động của Hội và Quy chế quản lý và sử dụng tài sản theo Điểm c Khoản 2 Điều 14 về Chủ tịch Hội và Khoản 1 Điều 20 về Quản lý tài sản, tài chính của Hội.

- Thường trực Hội tồn tại trong suốt nhiệm kỳ V (2011-2015), họp giao ban hàng tuần để triển khai các hoạt động của Hội nhưng không có Quyết định nào của Ban Thường vụ về việc thành lập Thường trực Hội và về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội.

- Việc bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Thư ký của Hội chưa theo đúng quy định tại Điều lệ.

- Theo Điều lệ, để trở thành hội viên của Vinastas, tổ chức, cá nhân cần có Đơn xin gia nhập. Ban Thường vụ được giao nhiệm vụ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét vào Hội, ra Hội nhưng trên thực tế, dù đã có hàng chục hội viên, Ban Thường vụ Vinastas vẫn chưa ban hành văn bản nào quy định về vấn đề này.

- Quy chế chi tiêu nội bộ do Vinastas cung cấp không được xây dựng và ban hành theo đúng quy định của Điều lệ (không có văn bản phê duyệt, không được người có thẩm quyền ký ban hành).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.