Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Trước đây, đến với một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tuyến đường trong các khu công nghiệp, các khoảng đất trống đã giao cho các doanh nghiệp mưa thì lầy lội, nắng nóng thì bụi mịt mù, mật độ cây xanh thảm cỏ thấp, cỏ dại bủa vây, sỏi đá và đất cằn bao phủ...Hàng loạt các hạn chế, bất cập đó dần đã được khắc phục, bởi những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đã thực sự coi trọng việc nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Hiện, Vĩnh Phúc đã có một số khu công nghiệp xây dựng hạ tầng rất bài bản. Điển hình như Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có hạ tầng và cảnh quan môi trường đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bước vào khu công nghiệp này, mọi người đều khen ngợi bởi hình ảnh một khu công nghiệp tươi mới, có những con đường bê tông ngang, dọc sạch bóng, đan xen những con đường và các dãy nhà xưởng là màu xanh bao phủ của thảm cỏ, cây xanh, ngắm nhìn nơi đây giống như "nhà máy trong công viên, công viên trong nhà máy". Đây là khu công nghiệp đã và đang tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
Để hướng tới sự hình thành khu đô thị kiểu mẫu, phát triển xanh, sạch, đẹp, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) - Chủ đầu tư Dự án khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã tiên phong trong xây dựng hạ tầng hiện đại và xây dựng cảnh quan môi trường cho khu công nghiệp, đúng như tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng. Tháng 10/2015, tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án "Hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc" cho nhà đầu tư là Tập đoàn Sumitomo.
Theo ông Satoru Wachi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc: Tập đoàn Sumitomo đã triển khai Khu công nghiệp Thăng Long I năm 1997 tại Hà Nội, Thăng Long II năm 2006 tại tỉnh Hưng Yên và đều nhận được sự giúp đỡ lớn từ chính quyền địa phương.
Sau 6 năm xây dựng, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút được 42 dự án với 9 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng và 33 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 953 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Anh Dương Văn Hướng, thôn Bảo Sơn, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên cho biết: Nhớ lại ngay từ khi bắt đầu khởi công, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã tận dụng triệt để lớp đất màu mỡ vốn dĩ người dân canh tác bao đời ở phía trên cùng để ưu tiên cho việc trồng thảm cỏ, cây xanh một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Chủ đầu tư đã tập trung vào việc thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh… nhằm tạo ra quang cảnh "xanh, sạch, đẹp," giảm cảm giác nặng nề, bức bối giữa không gian nhà xưởng.
Trên thực tế, chủ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã dành trên 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Ngoài ra, trong các tuyến đường nội khu, công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6 km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái. Toàn bộ Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc rộng hơn 213 ha đã được xây tường bao kiên cố bao kín bốn hướng, có hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị giám sát bảo vệ được đầu tư đồng bộ để đảm bảo an ninh.
Ngoài Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh còn có Khu công nghiệp Bá Thiện (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên), Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên ) cũng được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, quan tâm đầu tư các cây xanh và thảm cỏ phát triển tốt, bao phủ trên diện rộng. Hệ thống giao thông nội bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bê tông có chất lượng cao, hệ thống cấp thoát nước của khu công nghiệp cũng được đi ngầm, khu nhà điều hành hiện đại với nhiều tiện ích và dịch vụ phục vụ cho các nhà máy sản xuất.