Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect đánh giá tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) dù tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo đó, tính từ giai đoạn 2016 đến nay, nợ xấu đã tăng từ 1,11% lên 1,65%. Điều này có thể được lí giải là do chiến lược tái cơ cấu cho vay của ngân hàng theo hướng cho vay cá nhân làm tăng tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng. VNDirect cho rằng tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% vẫn ở mức kiểm soát được so với tỉ lệ của các ngân hàng bán lẻ khác
Bên cạnh đó, tỉ lệ dự phòng rủi ro cho vay (LLR) giảm đáng kể từ 109% vào cuối năm 2016 xuống 73% vào cuối quí II/2020 do ngân hàng đã ưu tiên trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC.
Cuối quí II/2020, LienVietPostBank đã hoàn thành việc mua lại 184 tỉ đồng nợ xấu còn lại của VAMC . Việc xóa hết nợ xấu tại VAMC sẽ là điều kiện tiên quyết để ngân hàng thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng tỉ lệ LLR ở mức 73% không phải là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho chi phí dự phòng, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Do đó, công ty chứng khoán này dự đoán chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020, qua đó khiến chi phí dự phòng cả năm tăng 49% so với năm trước.
Tại báo cáo lần này, VNDirect đánh giá tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của LienVietPostBank vẫn ở mức khiêm tốn và khó có thể tăng trong những năm tới.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần LienVietPostBank đạt 2.902 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kì năm trước, hệ số NIM giảm 0,48 điểm %. Lợi suất tài sản giảm 0,38 điểm % do ngân hàng đã giảm/miễn lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi, chi phí huy động vốn (COF) tăng 0,14 điểm % do tỉ lệ CASA giảm từ 13,1% vào cuối quí II/2019 xuống 12,1% vào cuối quí II/2020.
Trong những năm trước, LienVietPostBank đã tái cơ cấu lại hoạt động cho vay theo hướng cho vay bán lẻ với tỉ trọng cho vay cá nhân trong tổng dư nợ tăng đáng kể từ 28,7% vào cuối năm 2015 lên 39,6% vào cuối năm 2019. Kết quả là lợi suất tài sản của LienVietPostBank tăng từ 7,5% lên 9% sau 4 năm.
Dù vậy, do tỉ lệ CASA đã giảm mạnh trong những năm qua (từ 41,2% trong năm 2016 xuống còn 12,1% vào cuối quí II/2020) nên chi phí vốn của ngân hàng đã tăng từ mức 4,3% tại thời điểm 2015 lên mức 5,9% tại thời điểm 2019. Do đó, hệ số NIM của ngân hàng trong những năm qua vẫn có xu hướng giảm.
Mặt khác, trong những năm gần đây, hệ số NIM của LienVietPostBank được hỗ trợ bởi sự cải thiện nhanh chóng trong tỉ lệ LDR (tỉ lệ dư nợ trên vốn huy động) và cho vay cá nhân. Tuy nhiên, tỉ lệ LDR của ngân hàng (theo Thông tư 16) đã tăng lên 78,5% vào thời điểm cuối quí II/2020. Do vậy, sẽ khó để ngân hàng duy trì tốc độ này trong tương lai do tỉ lệ LDR đang gần chạm trần 85% do NHNN qui định.
Ngoài ra, mảng cho vay cá nhân của LienVietPostBank cũng được mở rộng nhanh chóng trong thời gian gần đây nhưng cạnh tranh trong phân khúc này đang ngày càng trở nên gay gắt.
Dựa vào những cơ sở trên, VNDirect dự đoán hệ số NIM của ngân hàng sẽ khó có thể tăng trong những năm tới.