Vỡ nát mất an toàn, đóng đường băng, tăng delay hủy chuyển

Trong lúc hạ tầng hàng không đang quá tải thì sân bay Nội Bài sắp phải đóng cửa đường lăn S3 và hạn chế khai thác hai đường băng để sửa chữa, làm giảm số chuyến bay và tăng tình trạng chậm, hủy chuyến.

Có tiền, đường băng hỏng vẫn phải chờ

Thị trường hàng không Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng tốt, đáp ứng rất tốt nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy du lịch và đầu tư. Mặc dù vậy, không ít hành khách vẫn phàn nàn về chuyện hủy chuyến, chậm chuyến (delay) nhưng không phải ai cũng biết một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do hạ tầng yếu kém.

Trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa thấy dấu hiệu chuyển biến thì đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều xuống cấp nghiêm trọng. Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đề xuất đóng cửa đường lăn S3 và hạn chế khai thác hai đường băng tại Nội Bài để sửa chữa. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hai đường băng tại Nội Bài “đã quá xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất lớn”.

Vỡ nát mất an toàn, đóng đường băng, tăng delay hủy chuyển - Ảnh 1.

Đường băng sân bay Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa an toàn bay

TS Trần Văn Khảm, Phó chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, cho biết, khi thiết kế, đường băng được tính toán rất về thuật, về chịu lực. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, do ảnh hưởng của khí hậu, của lực máy bay hạ cánh nên đã xảy ra tình trạng bong, nứt tại một số điểm trên đường băng.

“Điều này chắc chắn sẽ gây mất an toàn khi máy bay cất, hạ cánh và nếu không được khắc phục, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các hãng hàng không”, ông Khảm cảnh báo.

Mặc dù xuống cấp như vậy nhưng Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị được giao quản lí hai đường băng - vẫn chưa đầu tư, nâng cấp. Lí do là vướng cơ chế.

Từ khi ACV cổ phần hóa, toàn bộ khu bay, trong đó có đường cất hạ cánh, đường lăn thuộc về tài sản công nên nhà nước phải bố trí vốn đầu tư, nâng cấp. Bộ GTVT từng đề xuất ứng trước 4.200 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV để đầu tư, sửa chữa và nhà nước hoàn trả sau. 

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng làm như vậy không đúng quy định về quản lí tài sản công và ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước lại không có kế hoạch cấp vốn đầu tư cho việc sửa chữa, nâng cấp này.

Từ giữa tháng 8, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo phải nhanh chóng tháo gỡ cơ chế để sớm khởi công đầu tư, nâng cấp khu bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Bộ GTVT cần quyết liệt cùng Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể đầu tư nâng cấp và xây dựng mới sân bay, không thể kéo dài tình trạng doanh nghiệp nhà nước có vốn mà không thể đầu tư.

Tiếp đó, ngày 12/9, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các dự án giao thông vận tải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu phải bảo đảm hoạt động bình thường, an toàn ở tất cả các sân bay; chủ động khắc phục những bất cập hiện nay ở các sân bay lớn.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa sửa chữa hai đường băng xuống cấp.

Chậm chuyến vì thiếu sân đỗ

Vỡ nát mất an toàn, đóng đường băng, tăng delay hủy chuyển - Ảnh 2.

Các hãng hàng không thiếu sân đỗ và sự quá tải ở nhà ga

Theo TS Trần Văn Khảm, không chỉ đường băng, “rào cản” đang ảnh hưởng tới hoạt động của các hãng hàng không còn ở việc thiếu sân đỗ và sự quá tải ở nhà ga. Ông Khảm cho hay một máy bay hạ cánh xuống sân bay sẽ phải có sân đỗ cho máy bay bốc dỡ hàng hóa, làm vệ sinh, nạp xăng dầu, kiểm tra thuật, xếp hành lí,... cho chuyến bay kế tiếp.

Tuy nhiên, sân đỗ tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều đã quá tải. “Nhiều khi máy bay tới Tân Sơn Nhất phải chờ ít nhất 5-10 phút bay trên trời mới có đường băng và sân đỗ để hạ cánh. Chính vì thế, hoạt động của các hãng hàng không bị ảnh hưởng, xảy ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến”, ông Khảm nói.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, còn ít nhất 5 sân bay khác trong tổng số 22 sân bay đang quá tải. Tức là các sân bay này đã đón lượng khách nhiều hơn so với công suất thiết kế. Thống kê các cuộc chậm chuyến bay gần đây của các hãng hàng không cũng cho thấy nguyên nhân chính là do hạ tầng hàng không quá tải.

Giải thích về lí do không có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không, TS. Trần Văn Khảm cho rằng Nhà nước phải có cơ chế thu hút, kêu gọi thì doanh nghiệp mới có cơ hội tham gia, bỏ vốn ra làm.

“Vấn đề này đã hội thảo rất nhiều nhưng vướng vẫn là nhà nước phải có cơ chế, có cho phép hay không. Nếu đầu tư không có lợi thì không doanh nghiệp nào làm, tại sao không công khai cho các nhà đầu tư biết, tham gia”, ông Khảm nói.

Mặt khác, hiện nay, tuy là công ty cổ phần nhưng ACV lại đang được độc quyền quản lí, khai thác, kinh doanh 21 cảng hàng không. Tư nhân muốn tham gia đầu tư hạ tầng hàng không phải vượt qua nhiều cửa ải. 

Đây là cuộc cạnh tranh phi thị trường, mặc dù, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu Bộ GTVT phải công khai minh bạch các dự án đầu tư trong hạ tầng hàng không, gồm dự án Nhà nước làm, dự án xã hội hóa, để có kế hoạch triển khai và huy động nguồn lực hiệu quả hơn, đặc biệt là nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.