Vụ 300 thai nhi lựa ra từ rác: Không thể đoán được từ đâu ra

Quyền giám đốc Sở y tế tỉnh Cà Mau cho rằng không hình dung được ở đâu mà có nhiều xác thai nhi đến vậy.

Chiều tối 26/4, Chủ tịch UBND TP Cà Mau tổ chức họp báo thông tin bước đầu kết quả kiểm tra vụ 300 xác thai nhi lẫn trong rác mà lãnh đạo nhà máy rác thành phố này đã báo cáo bằng văn bản hồi đầu tuần.

Vụ 300 thai nhi lựa ra từ rác: Không thể đoán được từ đâu ra - Ảnh 1.

Trưởng đoàn, ông Lâm Bảo Xuyên báo cáo kết quả kiểm tra. Ảnh: TRẦN VŨ

Tại cuộc họp, ông Lâm Bảo Xuyên, trưởng đoàn kiểm tra, thông tin qua hai ngày kiểm tra thực tế chỉ phát hiện 9 mộ mà lãnh đạo nhà máy rác cho rằng là mộ các thai nhi.

"Mỗi mộ là một cái hủ sành, lãnh đạo nhà máy báo là có hài cốt thai nhi trong đó. Nhưng đoàn chưa đủ thẩm quyền để kiểm tra bên trong" - ông Xuyên nói.

Tổ công tác đã kiểm tra bằng cách đào bằng tay và cả cần cuốc, tại 6 địa điểm do phía nhà máy chỉ. Kết quả đào 6 điểm thì có 2 điểm phát hiện có 9 hủ sành được cho là chứa hài cốt thai nhi.

Ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau trả lời các phóng viên: "Chúng tôi sẽ báo cáo kết quả kiểm tra này về UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Bởi trong phạm vi của tổ công tác không đủ điều kiện kiểm tra bên trong các hủ sành có phải xác thai nhi hay không. Cũng như việc có kiểm tra tiếp, toàn bộ để kết luận con số 300 là đúng hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND tỉnh".

Về việc phía nhà máy rác Cà Mau có giữ quan điểm con số báo cáo 300 xác thai nhi hay không, ông Xuyên trả lời: "Công nhân Lê Minh Cảnh của nhà máy rác, người phụ trách tẩn liệm chôn cất xác thai nhi khẳng định với đoàn chúng tôi như sau: Trong các năm 2013, 2014, mỗi tháng phát hiện 16, 17 em. Các năm 2015, 2016, 2017 có ít hơn, khoảng 3 em/tháng. Năm 2018 do hoạt động có 6 tháng nên phát hiện có 15 em".

Vụ 300 thai nhi lựa ra từ rác: Không thể đoán được từ đâu ra - Ảnh 2.

Quyền giám đốc Sở y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng (đứng) không tin ở đâu ra có con số 300 xác thai nhi trong 7 năm qua. Ảnh: TRẦN VŨ.

Làm việc với đoàn kiểm tra, lãnh đạo nhà máy rác TP Cà Mau lý giải do thời gian quá lâu, đất bị sạt lở và do một số hoạt động tôn tạo kênh mương của nhà máy nên nhiều phần mộ của các em bị thất lạc.

Lãnh đạo nhà máy cũng khẳng định, vào tháng 6-2013 từng có báo cáo tình trạng phát hiện xác thai nhi lẫn trong các xe rác nhưng chưa được tỉnh quan tâm hỗ trợ giải quyết. Và việc lãnh đạo nhà máy có văn bản gửi tỉnh về tình trạng xác thai nhi lẫn trong rác không nhằm mục đích xin cấp thêm đất. Chỉ mong được tỉnh hổ trợ ngăn chặn tình trạng bỏ xác thai nhi trong rác, vừa bất nhẫn vừa gây khó khăn cho hoạt động nhà máy.

Trước đó, ngày 19/4/2019, Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý, đơn vị chủ quản nhà máy rác TP Cà Mau có văn bản gửu UBND tỉnh Cà Mau nhờ hỗ trợ xử lý tình hình quá nhiều xác thai nhi lẫn trong rác. Theo văn bản này, từ khi hoạt động (năm 2012) đến nay, nhà máy rác thải TP Cà Mau đã phát hiện và tự xử lý chôn cất khoảng 300 thai nhi được công nhân phát hiện lựa ra từ các xe tập kết rác vào nhà máy. Lãnh đạo nhà máy cho rằng đến nay thì khuôn viên nhà máy hết chỗ để chôn cất nên nhờ UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ xử lý tình trạng này.

Trước thông tin trên, trong tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có hai văn bản chỉ đạo nóng cơ quan chức năng tỉnh, gồm Sở y tế và UBND TP. Cà Mau tổ chức kiểm tra và báo cáo khẩn về UBND tỉnh.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Dũng, quyền Giám đốc Sở y tế tỉnh Cà Mau cho rằng không thể hình dung được con số 300 xác hài nhi trong 7 năm như báo cáo từ Nhà máy rác TP. Cà Mau. Theo ông Dũng, thai lưu tại các bệnh viện công trong tỉnh nhiều năm qua nằm ở mức trên dưới 10 em và được xử lý theo cách hoặc người nhà nhận về chôn cất hoặc được hỏa thiêu đúng quy định, không có chuyện bỏ lẫn vào rác.

Vậy 300 xác hài nhi này ở đâu ra? Trả lời câu hỏi này, ông Dũng bảo không đoán được.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.