World Bank: Đại dịch Covid-19 đẩy khoảng 100 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy từ 88 - 114 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, trong đó, đáng chú ý, bao gồm ngày càng nhiều cư dân thành thị.

Tờ Wall Street Journal trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 7/10 cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, tình trạng nghèo đói cùng cực trên thế giới dự báo gia tăng trở lại trong năm nay và cả năm 2021.

World Bank: Đại dịch Covid-19 đẩy khoảng 100 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên chuẩn bị đồ cứu trợ tại một nhà thờ ở Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: EPA).

WB định nghĩa, người nghèo cùng cực là khi sống với mức dưới 1,9 USD (tương đương 44.000 đồng)/ngày, hoặc tương đương 700 USD/năm.

WB ước tính hiện có tổng cộng từ 703 triệu đến 729 triệu người đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực và con số này có thể tăng thêm vào năm 2021.

Trước đại dịch, số người nghèo cùng cực ước tính là 615 triệu người năm 2020.

Năm 1990, hơn 1,9 tỉ người sống dưới ngưỡng nghèo cùng cực, chiếm 36% dân số thế giới.

Trước khi đại dịch xảy ra, tỉ lệ nghèo cùng cực dự kiến sẽ giảm xuống còn 7,9% vào năm 2020, nhưng giờ đây virus corona có khả năng ảnh hưởng đến 9,1 - 9,4% dân số thế giới trong năm nay.

Đây là sự đảo ngược những tiến bộ đã đạt được sau hàng thập kỉ nỗ lực giảm nghèo của thế giới.

Carolina Sánchez-Páramo, chuyên gia của WB cho biết: "Đây là thất bại tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong một thế hệ".

Bà nói thêm, ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỉ, khi hầu hết thế giới đều chìm trong một cuộc suy thoái tương tự, nhưng số lượng người nghèo cùng cực tiếp tục giảm nhờ các thị trường mới nổi chính là Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì được đà phát triển.

Tuy nhiên tác động của đại dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn. Thậm chí, chúng còn đang kéo thêm các nhóm nhân khẩu học mới vào tình trạng nghèo đói cùng cực.

Trước khi đại dịch xảy ra, những người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực chủ yếu là ở nông thôn, những người ít được học hành và đa phần làm nông nghiệp.

Nhưng giờ đây, đáng lo ngại hơn, đại dịch đang đẩy cả những người ở các khu vực thành thị, có trình độ học vấn cao hơn và những người làm việc trong các ngành như dịch vụ phi chính thức, xây dựng và sản xuất lâm vào cảnh đói nghèo.

Điều này đe dọa các chương trình hỗ trợ vốn được thiết kế cho người nghèo khó ở các vùng nông thôn.

30 năm qua là khoảng thời gian hầu như không ngừng cải thiện mức sống của nhiều người nghèo nhất thế giới. Năm 1990, chỉ riêng ở Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc, đã có gần một tỉ người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực cũng như nửa tỉ người khác ở Nam Á, chủ yếu là Ấn Độ.

Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo. Châu Mỹ Latinh cũng chứng kiến số người nghèo giảm hơn một nửa.

Thất bại nghiêm trọng nhất đã xảy ra vào năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã đẩy hàng chục triệu người, chủ yếu ở châu Á, rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Tuy nhiên, thất bại đó đã nhanh chóng được khắc phục và các con số hoàn toàn phục hồi vào năm 1999.

World Bank: Đại dịch Covid-19 đẩy khoảng 100 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực - Ảnh 2.

Trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. (Ảnh: AFP).

Phần lớn người nghèo cùng cực trên thế giới sống ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi có ít tiến bộ hơn so với các khu vực khác trên thế giới trong 30 năm qua.

Trước khi xảy ra đại dịch, 440 triệu dân số lục địa này sống trong tình trạng cực kì nghèo đói, chiếm tỉ lệ gần 40% tổng số người nghèo. Do ảnh hưởng của đại dịch, con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 480 triệu người, tương đương tỉ lệ 42% trong năm nay.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.