ADB: Khoảng 160 triệu người châu Á có thể lâm vào cảnh đói nghèo vì Covid-19

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng thể của khu vực châu Á sẽ giảm khoảng 0,7% trong năm nay, đánh dấu sự suy giảm đầu tiên kể từ năm 1962.

Theo hãng tin South China Morning Post, trong báo cáo mới nhất của mình công bố ngày 15/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, đại dịch virus corona và các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh sẽ đẩy hàng triệu người ở châu Á lâm vào tình trạng đói nghèo, đồng thời làm gia tăng bất bình đẳng trong các ngành công nghiệp và các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ADB: Khoảng 160 triệu người châu Á có thể lâm vào cảnh đói nghèo vì Covid-19 - Ảnh 1.

GDP của Ấn Độ được dự báo giảm 9% năm 2020 và tăng 8% vào năm 2021. (Ảnh: Bloomberg).

Châu Á đã chứng kiến sự thoát nghèo đáng kể khi tỉ trọng GDP của khu vực đã tăng lên, chiếm 1/3 nền kinh tế toàn cầu, so với tỉ lệ 1/4 trước đó trong suốt 15 năm qua.

Nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nói: "Tuy nhiên, do những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, tăng trưởng kinh tế của hầu hết các quốc gia châu Á đều suy giảm, dẫn đến thu nhập của người dân cũng giảm sút, trong đó đặc biệt là những người nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sụt giảm thu nhập này".

"Theo đánh giá của chúng tôi, khoảng 160 triệu người châu Á sẽ rơi vào cảnh dưới mức nghèo khổ."

Đánh giá này được dựa trên ngưỡng nghèo quốc tế là thu nhập 3,2 USD/người/ngày.

ADB nhận định, nếu không có đại dịch Covid-19, số lượng người nghèo ở châu Á sẽ tiếp tục giảm đi đáng kể, dựa theo các con số thống kê trong hai thập kỉ qua. Số người nghèo (được cho là chi tiêu với ít hơn 1,9 USD/ngày) sẽ giảm xuống còn 114 triệu người vào cuối năm 2020. Con số sẽ giảm xuống còn 734 triệu người nếu dựa theo mức sống 3,2 USD/ngày làm chuẩn nghèo.

Tuy nhiên virus corona đã đảo ngược xu hướng này. ADB ước tính số người nghèo trong khu vực có khả năng tăng lên 192 triệu vào cuối năm 2020 nếu theo chuẩn nghèo 1,9 USD, hoặc lên 896 triệu người nếu theo chuẩn nghèo 3,2 USD.

Điều này có nghĩa là, tùy thuộc vào định nghĩa về đói nghèo, sẽ có thêm 78 triệu người hoặc 162 triệu người nghèo, xóa tan những thành quả đã đạt được về giảm tỉ lệ đói nghèo trong những năm qua.

Ông Sawada cho biết thêm, các thành phần nghèo hơn trong xã hội, bao gồm cả những người tự làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn vì họ không thể kiếm được thu nhập bằng cách làm việc tại nhà như những công nhân viên chức làm việc văn phòng.

Ngoài ra, các công ty và ngành công nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, đặc biệt là ở các quốc gia Nam Á, cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do những hạn chế về nguồn vốn có thể khiến họ phải ngừng hoạt động, theo ông Sawada.

"Vì vậy, tất yếu các doanh nghiệp này phải sa thải nhân viên của họ," Sawada nói.

Ông nói thêm: "Những người lao động nghèo, lao động phi chính thức và các doanh nghiệp nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Năm nay, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á sẽ chứng kiến sự suy giảm lần đầu tiên sau gần sáu thập kỉ, với khoảng 3/4 nền kinh tế của khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020.

"Sự phục hồi trong năm tới cũng sẽ thấp hơn so với mức dự báo trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cho thấy sự phục hồi hình chữ L", ông Sawada nói.

ADB dự báo tăng trưởng GDP tổng thể của khu vực châu Á sẽ giảm 0,7% trong năm nay, đánh dấu sự suy giảm đầu tiên kể từ năm 1962.

Tăng trưởng dự báo sẽ phục hồi lên 6,8% vào năm 2021, nhưng con số này vẫn sẽ khiến GDP trong năm tới thấp hơn đáng kể so với kì vọng trước Covid-19.

Do đó, tăng trưởng của khu vực sẽ trải qua sự phục hồi yếu theo hình chữ L chứ không phải là sự phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V, ADB cho biết.

Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng toàn khu vực là trái chiều, với con đường và tốc độ phục hồi kinh tế phụ thuộc vào sự thành công trong việc kiểm soát đại dịch.

Đặc biệt, hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi còn Ấn Độ lại cho thấy sự mong manh.

Trung Quốc ngăn chặn sự bùng phát đại dịch trong nước tương đối nhanh, trong khi dịch bệnh ở Ấn Độ bùng phát mạnh hơn kể từ tháng 4 và lan nhanh từ các thành phố đến các vùng nông thôn.

ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống 1,8% so với 2,3% trước đó do phục hồi chậm hơn dự kiến, và sẽ tăng 7,7% vào năm 2021.

ADB: Khoảng 160 triệu người châu Á có thể lâm vào cảnh đói nghèo vì Covid-19 - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP hàng quí của Trung Quốc. Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Tuy nhiên, GDP của Ấn Độ được dự báo sẽ giảm 9% vào năm 2020 và tăng 8% vào năm 2021.

Đại dịch Covid-19 kéo dài vẫn là nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất đến triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và năm tới.

Những rủi ro tiêu cực khác đến từ căng thẳng địa chính trị, bao gồm sự leo thang của xung đột thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các lỗ hổng tài chính có thể trở nên trầm trọng hơn do đại dịch kéo dài.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng việc thực thi các mức thuế trước đó vẫn được duy trì, Sawada lưu ý.

Hơn nữa, Trung Quốc mới chỉ đạt 48% mục tiêu thỏa thuận của giai đoạn một kể từ tháng 7 và một thỏa thuận giai đoạn hai về cải cách cơ cấu dường như khó có thể diễn ra trong năm nay.

Sawada nói: "Vì vậy, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ về thương mại mà còn về công nghệ dường như là một điều đáng lo ngại. Đây cũng là một nhân tố tác động đến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương."

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.