Xu hướng làm gọn lại chuỗi cung ứng, cánh cửa rộng cho Việt Nam tại thị trường Ấn Độ

Tham tán thương mại Ấn Độ khẳng định, Ấn Độ sẽ "vừa là thị trường nhập khẩu của Việt Nam, vừa là nơi Việt Nam nhập nguyên vật liệu". Tuy nhiên các doanh nghiệp của Ấn Độ rất thông thạo các thứ tiếng, am hiểu về pháp luật và khó tính nên các doanh nghiệp Việt cần thận trọng khi làm việc.

Ngày 11/11, Trung tâm hội nhập quốc tế TP HCM (CIIS) cùng với Vụ thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương tổ chức hội thảo thị trường các nước Nam Á và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này.

Xu hướng làm ngắn lại chuỗi cung ứng

Theo ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc CIIS cho biết, xu hướng dịch chuyển hiện nay là các nước đang muốn làm ngắn lại chuỗi cung ứng.

Điển hình như việc Mỹ áp thuế TNDN để kêu gọi các doanh nghiệp hồi hương, hay Nhật Bản chi hơn 2 tỉ USD để hỗ trợ nhà đầu tư chuyển hoạt động về quê hương hoặc Đông Nam Á.

Có thể thấy, chuỗi cung ứng "đang hình thành theo hướng gọn hơn, mang tính khu vực hơn, để tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc có thể xảy ra", đại diện CIIS nhấn mạnh.

Còn với bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á -  châu Phi thuộc Bộ Công Thương, thị trường Nam Á có rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư. Đây là nơi có dung lượng thị trường lớn khoảng 1,9 tỉ dân, sức mua ngày một tăng. Riêng Ấn Độ có tới 600 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.

Xu hướng làm gọn lại chuỗi cung ứng, cánh cửa rộng cho Việt Nam tại thị trường Ấn Độ - Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo đại diện Bộ Công Thương, sản xuất tại thị trường Nam Á không quá phát triển nên việc nhập hàng của Việt Nam có nhiều cơ hội và hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng đầu tư xuất khẩu tại khu vực này. 

Năm 2015 - 2018, xuất khẩu qua khu vực Nam Á của Việt Nam từ mức 3,6 tỉ USD đã lên đến 8 tỉ USD, nhưng hiện vẫn chỉ chiếm 1,6% thị phần xuất khẩu cả nước. Bà Lê Hoàng Oanh khẳng định "dư địa thị trường tại Nam Á là rất lớn".

Cánh cửa rộng mở cho hàng Việt Nam tại Ấn Độ

Nói về cơ hội đầu tư tại thị trường Ấn Độ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại khu vực Nam Á, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Ấn Độ cho biết, thị trường này rất rộng, trải dài từ phân khúc hàng cao cấp cho đến sản phẩm sơ khai.

Ấn Độ có vị trí địa lí, khí hậu, kinh tế và văn hóa tiêu dùng,... tương tự Việt Nam. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu có hơn 600 triệu người trong tổng dân số là 1,37 tỉ người. Trung bình xuất nhập khẩu (XNK) cả năm trung bình khoảng 700 tỉ  - 800 tỉ USD. Trong khi Việt Nam với dân số ít hơn nhiều lần nhưng vẫn đạt hơn 500 tỉ USD năm 2019.

Tham tán thương mại Ấn Độ cho biết, kể từ khi ông Ram Nath Kovind lên nắm chính quyền, và có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tình hình XNK của Ấn Độ cải thiện và dần lấy lại đà tăng trưởng.

Xu hướng làm gọn lại chuỗi cung ứng, cánh cửa rộng cho Việt Nam tại thị trường Ấn Độ - Ảnh 2.

Hoạt động thương mại của Ấn Độ đã cải thiện kể từ khi có Tổng thống mới. (Ảnh: Minh Hằng tổng hợp từ Ngân hàng Eximbank Ấn Độ).

Theo đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này có kim ngạch cao là điện thoại các loại và các linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất,...Tiếp đến là nhóm hàng nông thủy sản như cao su, cà phê, hàng thủy sản,... Đây cũng là nhóm hàng có kim ngạch lớn thứ hai trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ.

Xu hướng làm gọn lại chuỗi cung ứng, cánh cửa rộng cho Việt Nam tại thị trường Ấn Độ - Ảnh 3.

Minh Hằng tổng hợp từ báo cáo của Vụ thị trường châu Á - châu Phi.

Xu hướng làm gọn lại chuỗi cung ứng, cánh cửa rộng cho Việt Nam tại thị trường Ấn Độ - Ảnh 4.

Minh Hằng tổng hợp từ báo cáo của Vụ thị trường châu Á - châu Phi.

Ông Bùi Trung Thướng chia sẻ, Ấn Độ vẫn là thị trường tương đối đóng và áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, tuy vậy vẫn có những thị trường ngách. 

Dân số Ấn Độ có xu hướng ăn chay nhưng những người trẻ hiện đại vẫn có nhu cầu sử dụng thức ăn mặn. Ông khẳng định cá tra và cá ba sa của Việt Nam vẫn đang có thế mạnh xuất khẩu qua thị trường này.

Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu cao su hết sức tiềm năng, có đóng góp vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua Ấn Độ. Dự báo xuất khẩu cao su trong thời gian tới sẽ thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong khi nguồn cung của nước này lại có xu hướng giảm do giá giảm nên nông dân hạn chế khai thác.

Song song đó, thị trường Nam Á này có lợi thế về hóa chất hữu cơ. Và Ấn Độ vẫn là thị trường chủ lực cho Việt Nam nhập khẩu hàng dược phẩm. Nguyên nhân là hàng dược phẩm của Ấn Độ tương đối tốt, có giá rẻ nên phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam.

Xu hướng làm gọn lại chuỗi cung ứng, cánh cửa rộng cho Việt Nam tại thị trường Ấn Độ - Ảnh 5.

Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường các nước Nam Á. (Ảnh minh họa: Bon Appetit).

Sắt thép hiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ và là mặt hàng duy nhất có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỉ USD. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu sắt thép chỉ đạt 23 triệu USD và đã tăng gấp 15 lần vào năm 2013. 

Trong giai đoạn 2018 - 2019, nhập khẩu sắt thép từ thị trường này tăng 180% từ 392 triệu USD lên 1,1 tỉ USD.

Đại diện Tham tán thương mại Ấn Độ khẳng định, Ấn Độ sẽ "vừa là thị trường nhập khẩu của Việt Nam, vừa là nơi Việt Nam nhập nguyên vật liệu".

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp của Ấn Độ rất thông thạo các thứ tiếng, am hiểu về pháp luật và khó tính nên các doanh nghiệp Việt cần thận trọng khi làm việc để có được sự hợp tác bền vững, lâu dài. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.