Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo 9 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,48 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kì năm 2019. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng ở hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Australia.
Đáng chú ý, xuất khẩu tới thị trường Mỹ 8 tháng đầu năm 2020 đạt trên 4,19 tỉ USD, tăng 27,4% so với cùng kì năm 2019. Tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm hơn 55% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 7,2 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2019.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), những tháng đầu năm, trong khi các dòng sản phẩm như nội thất văn phòng, nội thất phòng ngủ giảm về giá trị xuất khẩu so với cùng kì 2019, thì các mặt hàng nội thất phòng bếp, phòng tắm đều có xu hướng tăng.
Lí giải về hiện tượng này, các doanh nghiệp cho hay những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh chủ yếu là các mặt hàng mà phía Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như tủ bếp, sofa,...
Theo đó, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, dẫn đến việc các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhằm bù đắp một phần thiếu hụt nguồn cung từ thị thường Trung Quốc.
Chia sẻ với người viết ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Lâm Việt, nhận định dịch COVID-19 làm ngành gỗ tăng trưởng, nhất là các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm. Bởi dịch khiến người dân Mỹ ở trong nhà nhiều hơn, và họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế với thói quen tiêu dùng đồng bộ.
Với việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ tăng mạnh, cộng thêm mùa cao điểm xuất khẩu đồ gỗ vào những tháng cuối năm, ông Liêm dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,5 tỉ USD trong năm 2020.
Ngành gỗ Việt đang có rất nhiều thuận lợi để vào thị trường Mỹ, nhưng nguy cơ cũng khá cao. Bởi đây là thị trường lớn và rất nghiêm khắc trong chuyện lẩn tránh thuế, gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Lâm Việt
Đây cũng là nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội ngành gỗ tại Báo cáo “Rủi ro trong gian lận thương mại các mặt hàng đồ gỗ: Trường hợp tủ bếp và ghế sofa” vừa công bố mới đây khi đưa ra những cảnh báo rủi ro gian lận xuất xứ đối với các mặt hàng tủ bếp và ghế sofa.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo, ghế sofa và bộ phận ghế sofa là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng ghế sofa sang thị trường này đạt hơn 356 triệu USD, năm 2019 là 975 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020, đạt hơn 611 triệu USD.
Mỗi năm có khoảng 380 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ. Đặc biệt, số doanh nghiệp xuất khẩu ghế sofa vào thị trường này tiếp tục tăng, năm 2019 là 378 doanh nghiệp, 7 tháng năm 2020 là 388 doanh nghiệp.
Tủ bếp cũng là một trong nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu tủ bếp của Việt Nam sang thị trường năm 2018 đạt hơn 140 triệu USD; năm 2019 đạt hơn 219 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2020 đạt 235,9 triệu USD, tăng 156% so với cùng kì 2019.
Đáng chú ý, trong khi giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế sofa từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh, thậm chí ở mức đột biến thì kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ghế sofa, hoặc các bộ phận hình thành mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh từ năm 2019.
Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ghế sofa và bộ phận ghế sofa từ Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ ở mức 20,3 triệu USD thì đến năm 2019 đã đạt gần 100 triệu USD, 7 tháng năm 2020 đạt hơn 61 triệu USD.
Đối với mặt hàng tủ bếp, năm 2017 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt hơn 28 triệu USD, đến năm 2019 đạt hơn 92,2 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 74,5 triệu USD.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Tổ chức Forest Trend, cho hay có một số tín hiệu gian lận thương mại ở mặt hàng ghế sofa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.
“Mức thuế cao áp dụng cho các sản phẩm gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có ghế sofa và tủ bếp, làm phát sinh gian lận thương mại khi các công ty này dịch chuyển đầu tư của họ sang Việt Nam, sử dụng Việt Nam làm quốc gia xuất khẩu nhằm tránh thuế, trong khi không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ”, ông Tô Xuân Phúc nói.
Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu của Forest Trend kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận. Đồng thời, xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lí nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời.
Các hiệp hội, thành viên của hiệp hội ngành gỗ cần xây dựng lòng tin và liên kết với các doanh nghiệp của Trung Quốc làm ăn chân chính tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia sản xuất mặt hàng hiện nằm trong danh sách mặt hàng rủi ro.
Thông quan các kết nối này, các hiệp hội thu thập thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn không chân chính và chia sẻ với các cơ quan quản lí.
Đồng thời Chính phủ thành lập nhóm hành động, với sự tham gia của bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lí và đại diện của hiệp hội gỗ, các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia thuế, công nghệ chế biến, nhằm phát hiện và từ đó đưa ra các biện pháp xử lí nhanh, hiệu quả đối với các hành vi gian lận
"Các cơ quan quản lí cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu", nhóm nghiên cứu khuyến nghị.