10 năm, tuyến đường sắt chạy qua Hồ Gươm chưa xong thủ tục đầu tư

Dự án đường sắt đô thị số 2 được điều chỉnh nhiều hạng mục và qua nhiều bước thẩm tra, thẩm định, song đến nay chưa được phê duyệt.

Năm 2008, Liên danh tư vấn TEDIS và Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) trên cơ sở kế thừa kết quả các nghiên cứu hỗ trợ của JICA như Chương trình Phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội (HAIDEP) năm 2004 và dự án hỗ trợ đặc biệt (SAPROF) năm 2007.

Tháng 11/2008, UBND Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, là cơ sở để Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký hiệp định vay vốn cho dự án này

Lộ trình tuyến đường sắt đô thị số 2 được xác định từ Khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du). Tuyến đường dài 11,5 km, với 3 ga trên cao, 7 ga ngầm.

Tổng vốn đầu tư dự án được 2 lần điều chỉnh

Sau 2 năm đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, tháng 3/2011, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) ký kết với Tư vấn chung (Liên danh OCJV) hợp đồng tư vấn thực hiện dự án.

Cuối năm đó, Tư vấn chung đã hoàn thiện thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của dự án được tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng.

Theo đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tổng mức đầu tư dự án tăng cao do thay đổi về quy mô đầu tư, như ga ngầm được điều chỉnh từ 2 tầng lên 3 tầng, thay đổi chính sách quản lý chi phí đầu tư như dự phòng phí.

Đặc biệt là tỷ giá quy đổi đồng yên tăng 70% so với thời điểm năm 2008, sự biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công.

Do tổng mức đầu tư thay đổi, cuối năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư của dự án.

Để thẩm định dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu lựa chọn Tư vấn quốc tế độc lập để thẩm tra dự án điều chỉnh.

Việc lựa chọn đơn vị Tư vấn kéo dài trong 2 năm và thời gian tương tự cho Tư vấn thực hiện công tác thẩm tra. Đến tháng 5/2016, Tư vấn này hoàn thành báo cáo thẩm tra về dự án.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, Thủ tướng đã cho phép Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án và yêu cầu hoàn thiện báo cáo Nghiên cứu khả thi trên cơ sở làm rõ ý kiến phân tích của Bộ KH&ĐT.

Cùng với đó, Hà Nội phải thống nhất với Bộ KH&ĐT và các bộ liên quan trước khi phê duyệt.

10 nam tuyen duong sat chay qua ho guom chua xong thu tuc dau tu
Phối cảnh một cửa ga ngầm trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Hà Nội đã nhiều lần lấy ý kiến góp ý về dự án điều chỉnh của các bộ ngành như KH&ĐT, Xây dựng, GTVT, Tài chính và hoàn thiện báo cáo điều chỉnh dự án.

Tư vấn thẩm tra (do KH&ĐT lựa chọn) cũng thống nhất với nội dung điều chỉnh của dự án. Tháng 3/2018, Hà Nội đã trình Thủ tướng xem xét về chủ trương điều chỉnh dự án.

Thời điểm này, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là tỷ giá quy đổi đồng yên thời điểm này lại thấp hơn mấy năm trước.

Theo đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị, do dự án có tính chất phức tạp, công nghệ mới, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam nên quá trình thực hiện các thủ tục cũng như công tác thẩm định, thẩm tra đã kéo dài hơn so với dự kiến.

4 công văn của Bộ Văn hóa về vị trí ga C9 gần hồ Gươm

Trong các thủ tục đầu tư, quá trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng các ga trên tuyến đường sắt cũng bị kéo dài do tuân thủ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch như lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan, thỏa thuận với các chủ sử dụng đất...

Ngoài ra, đối với ga C9 ở gần Hồ Gươm còn phải tuân thủ Luật Di sản.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, do Hồ Gươm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013, Ban đã lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan, các hội nghề nghiệp về vị trí hướng tuyến và nhà ga.

Bộ Văn hóa đã 4 lần có ý kiến góp ý về hướng tuyến và vị trí ga. Cơ quan này cơ bản thống nhất về vị trí đặt ga và các công trình phụ trợ song vẫn yêu cầu Hà Nội xem xét để không ảnh hưởng đến các hạng mục và cảnh quan di tích.

Các cơ quan hữu quan cũng thận trọng, yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị báo cáo, giải trình nhiều lần.

Đặc biệt, năm 2017 sau khi Bộ Văn hóa yêu cầu Hà Nội nghiên cứu xê dịch hướng tuyến tàu điện bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, để hạn chế ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan Hồ Gươm, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu tiếp 10 phương án tại khu vực này.

Song phần lớn phương án khó khả thi do chạm móng cọc nhiều nhà cao tầng, nếu dịch xa Tháp Bút thì tuyến hầm lấn sâu vào Nhà hát múa rối Thăng Long và đền Bà kiệu, gây khó khăn thi công hầm. Do đó, Hà Nội kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến và vị trí ga C9 như ban đầu.

10 nam tuyen duong sat chay qua ho guom chua xong thu tuc dau tu
Quy hoạch nhà ga C9 gần hồ Gươm.

Tháng 3/2018, Ban Quản lý đường sắt đô thị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 và phỏng vấn các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch nhà ga này.

Đến nay, tất cả nhà ga trên tuyến đều đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, chỉ còn ga C9 ở cạnh Hồ Gươm là chưa được phê duyệt, điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt chung của cả dự án.

Nhiều bất lợi khi dự án chậm triển khai

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị, khi tiến độ triển khai dự án bị đẩy lùi, chi phí dự án có thể tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi.

Cùng với đó, việc triển khai dự án kéo dài làm giảm sút niềm tin của người dân, nhà tài trợ.

Đặc biệt, Hiệp định vay vốn với Chính phủ Nhật Bản được ký kết năm 2009 sẽ hết hạn vào tháng 7/2019 nên nếu không kịp triển khai sẽ phải đàm phán gia hạn tiếp hiệp định.

Dự án kéo dài khiến người dân nằm trong khu vực có nhiều hoài nghi về tính khả thi, lo sợ dự án treo hoặc lấy đất để thực hiện mục đích khác.

Với xã hội, dự án chậm phát huy lợi ích của giao thông công cộng trong khi giao thông đô thị ngày một quá tải.

Theo tiến độ điều chỉnh đã được Hà Nội trình Thủ tướng, dự án sẽ được khởi công vào năm 2016 và hoàn thành năm 2022, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư.

Nếu trong năm nay, dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì năm 2019 sẽ thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công.

Dự án có thể khởi công vào đầu năm 2020, sau 54 tháng thực hiện, tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2.

Theo Ủy ban, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô".

10 nam tuyen duong sat chay qua ho guom chua xong thu tuc dau tu Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thương mại chậm nhất vào tháng 3/2019

Sau khi thống nhất chốt phương án chạy thử toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày 20/9, Bộ ...

10 nam tuyen duong sat chay qua ho guom chua xong thu tuc dau tu Tàu SE7 bất ngờ trật khỏi đường ray, hai toa bị đổ nghiêng

Vừa ra khỏi ga sau khi tránh tàu khác, tàu SE7 bất ngờ trật bánh khiến hành khách một phen hoảng hốt.

10 nam tuyen duong sat chay qua ho guom chua xong thu tuc dau tu Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp vận hành thử toàn bộ hệ thống

Dự kiến ngày 20/9 tới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn bộ hệ thống.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.