Yêu cầu bồi thường hơn 45,6 tỷ đồng cho tàu thép hư hỏng nằm bờ
Chiều 12/12, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng họp bàn và thống nhất đền bù tổn thất cho 19 ngư dân có tàu 67 hư hỏng.
Theo ông Châu, Sở NN&PTNT tỉnh đã có văn bản gởi Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu về kinh phí mà 19 ngư dân có tàu 67 hỏng yêu cầu đền bù, hỗ trợ là 45,6 tỷ đồng.
Tàu vỏ thép ngư dân Bình Định bị rỉ sắt sau khi đóng. Ảnh: Văn Luận - Thăng Bình. |
Tổng số tiền yêu cầu đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân là hơn 45,6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có 14 chủ tàu với số tiền ngư dân yêu cầu đền bù, hỗ trợ hơn 36,5 tỷ đồng. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có 5 chủ tàu với tổng số tiền ngư dân yêu cầu hơn 9 tỷ đồng. Thời hạn trước ngày 15/12 phía doanh nghiệp sẽ có văn bản phản hồi và tiếp tục họp với ngư dân để thống nhất.
Đây là các khoản ngư dân phải chi trả trong lúc tàu nằm bờ vì hư hỏng như: chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ bị hư hỏng, lỗ tổn phí, thuê thuyền viên, thuê tàu lai dắt, bị hư hỏng thủy sản... và nhiều chi phí khác.
Ảnh chụp một phần văn bản Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thống kê 19 ngư dân yêu cầu đề bù, hỗ trợ số tiền 45,6 tỷ đồng. |
Theo chính quyền tỉnh Bình Định, từ khi 20 tàu vỏ thép ngư dân bị hư hỏng, trải qua hàng chục cuộc họp giữa chính quyền tỉnh, ngư dân và đại diện 2 công ty đóng tàu nhưng các tàu vẫn chưa được sửa chữa xong.
Trong cuộc họp được tổ chức hồi tháng 8, Công ty TNHH MTV Nam Triệu thông tin chỉ mới kéo lên đà để sửa chữa được 7 tàu. Trong đó, thay máy thủy mới hiệu Mitsubishi cho 6 tàu và sửa chữa, sơn lại vỏ tàu bị rỉ sét, sửa chữa khắc phục hầm bảo quản bị động nước, giữ nhiệt kém, sửa chữa các hư hỏng hệ thống lái và trang thiết bị.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sửa chữa 5 tàu vỏ thép của ngư dân.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải đền bù cho ngư dân có tàu hư hỏng. Nếu cả hai bên không thỏa thuận được thì đưa ra tòa án kinh tế giải quyết.
Ngư dân sẽ kiện nếu không đền bù, hỗ trợ sữa chữa tàu sớm vươn khơi
Như dân ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99016 TS bức xúc nói: "Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải đền bù cho tôi hơn 2,8 tỷ đồng tổn thất nằm bờ. Nếu không thỏa thuận được thì tôi trả tàu cho doanh nghiệp, chứ nằm bờ quá lâu rồi không thể đợi chờ nữa! Họ quá ác với chúng tôi!".
Còn ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ 99086 TS đóng hết 18,7 tỷ đồng từ nguồn vay ngân hàng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, khi được công ty đóng tàu bàn giao ngày 20/9/2016 ông cùng bạn thuyền ra khơi ngư trường Trường Sa.
Tuy nhiên chuyến đi biển này hầm đá tàu thép bị ứ nước khiến cá bị hỏng lỗ 280 triệu đồng. Sau đó ngư dân Khánh gọi cho công ty này đề nghị sửa chữa nhưng mất 1 tháng mới xong, lúc này cũng đang mùa mưa bão nên tàu phải nằm bờ.
Ngư dân Bình Định với con tàu thép bị hư hỏng, rỉ sắt. Ảnh: Văn Luận - Thăng Bình |
“Ngày 16/3/2017, tôi mua bạn tàu, 22 thuyền viên và phí tốn lương thực để ra khơi trở lại. Tuy nhiên tàu mới chạy ra được 22 hải lý thì máy bị hỏng, chạy vào cảng Đề Gi nằm bờ tới bây giờ đã hơn 5 tháng.
Để chữa bệnh cho tàu, tôi phải bán con tàu vỏ gỗ với giá 1,5 tỷ đồng rồi cũng bán luôn chiếc tàu thu mua hải sản gần 1 tỷ đồng nhưng không “xi nhê” gì, giờ coi như trắng tay. Từ chỗ có của ăn của để (khoảng 150 triệu đồng/tháng), vì con tàu vỏ thép bị đóng gian dối mà tôi lâm cảnh nợ nần, vợ chồng cãi lộn…mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát. Trong khi đó, ngân hàng liên tục giục trả nợ vì đã quá hạn nên cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa. Đến lúc này, tổng thiệt hại của tôi đã lên đến hơn 1,3 tỷ đồng”, ngư dân Khánh giãi bày.
Nói về mong muốn, ngư dân Khánh kiến nghị: “Chúng tôi là ngư dân, ngoài làm ăn trên biển chúng tôi mong muốn mỗi người đều là “lá chắn” bảo vệ cho Hoàng Sa, Trường Sa nhưng công ty đóng tàu họ quá ác, quá vô trách nhiệm và mất đạo đức. Chúng tôi kiến nghị xử lý thật nghiêm những hành vi gian dối của các công ty đóng tàu, đồng thời họ phải đền bù, hỗ trợ cho chúng tôi nếu không chúng tôi sẽ kiện ra tòa”.
Kết quả mẫu thép các tàu dùng thép Trung Quốc đóng nên bị rỉ sắt. Ảnh: Văn Luận - Thăng Bình. |
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch HND tỉnh Bình Định nói: “Sự việc các ngư dân tỉnh Bình Định đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 bị hỏng hóc, rỉ sắt có thể nói ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ngư dân không ra khơi đánh bắt được, không có tiền trang trải cuộc sống bản thân, gia đình. Đối với ngân hàng, ngư dân không tiền trả vốn và lãi, lại phải tốn chi phí hàng trăm triệu đồng cho chi phí ban đầu cho mỗi chuyến ra khơi.
Sự việc đó làm giảm sút lòng tin của ngư dân với Đảng và Nhà nước, nhất là cơ quan chức năng tham mưu đưa ra chính sách và thực hiện chính sách này!”.
Theo ông Chế, yêu cầu các công ty đóng tàu gian dối phải đảm bảo sửa tàu. Đồng thời đền bù, xử lý những tổn thất do các sai phạm, vi phạm hợp đồng gây ra để lấy lại lòng tin của ngư dân với các cơ quan Nhà nước.
Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67 những vấn đề cần đặt ra" tổ chức ngày 29/8 tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Văn Luận - Thăng Bình. |
Tại hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67 những vấn đề cần đặt ra" tổ chức ngày 29/8 tại TP Đà Nẵng, đại diện Bộ NN&PTNT phát biểu, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, đến nay có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510 tàu, đạt 66,11% so với kế hoạch.
Trong 1.510 tàu được đóng mới, có 40 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém .... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguyên nhân là do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ...
20 tàu thép hư hỏng, Bình Định kiến nghị loại bỏ doanh nghiệp đóng tàu kém chất lượng
Tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ NN&PTNT kiên quyết loại bỏ những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoặc đóng tàu không đúng ... |