4 cầu, hầm chui ở TP HCM sắp thông xe

Cầu Nam Lý, Cây Khô, cùng hai hầm chui cửa ngõ Tân Sơn Nhất, Nam Sài Gòn sắp hoàn thành giúp giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian đi lại và chỉnh trang đô thị thành phố.

Sau hơn một năm khởi động lại, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, vốn đầu tư 732 tỷ đồng sẽ thông xe giữa tháng 9, các hạng mục còn lại được hoàn thiện vào cuối năm nay. Cầu bắc qua sông Rạch Chiếc dài gần 450 m, rộng 20 m. Hai đầu được xây đường dẫn rộng 30-37 m cùng hệ thống đường gom, thoát nước, chiếu sáng...

Dự án được khởi công năm 2016, song quá trình triển khai kéo dài do vướng mặt bằng. Đến năm 2019, công trình phải tạm ngưng thi công khi đạt khoảng 40% khối lượng và phải đến tháng 3/2023 mới khởi động lại khi địa phương hoàn tất đền bù, giải tỏa.

Công trường cầu Nam Lý, cuối tháng 7/2024. (Ảnh: Gia Minh).

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), tiến độ chung dự án đến nay đạt khoảng 88%. Sau khi thông xe cầu vào giữa tháng 9, đơn vị sẽ đóng đường hiện hữu bên hông để thi công đường gom dân sinh và các hạng mục phụ trợ.

Toàn bộ dự án cầu Nam Lý sẽ hoàn thành cuối năm nay, giúp thay cầu cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp. Ngoài xóa "nút cổ chai" trên đường Đỗ Xuân Hợp, công trình này cũng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu Đông TP HCM.

Ở phía Nam thành phố, dự án cầu Cây Khô bắc qua rạch Ông Lớn kết nối đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè qua đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, cũng dự kiến thông xe dịp 2/9 tới. Cầu dài 485 m, hai làn xe, khởi công cách đây 6 năm, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.

Khi đưa vào sử dụng, cầu giúp rút ngắn quãng đường từ hơn 10 km còn 500 m do không phải vòng qua các hướng khác. Trước đây, người dân hai bên bờ muốn qua lại phải đi đò tốn hơn 20 phút, hoặc theo lộ trình đường Đào Sư Tích - Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng - Nguyễn Văn Ràng.

Cầu Cây Khô, cuối tháng 7/2024. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Ông Lê Minh Trí, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nhà Bè (chủ đầu tư), cho biết trước đây công trình bị vướng mặt bằng, sau đó tiếp tục trải qua hai năm đại dịch khiến việc triển khai kéo dài. Sau khi các vướng mắc được giải quyết, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số hạng mục nhỏ và thủ tục nghiệm thu trước khi khai thác. "Cầu Cây Khô nằm ở cửa ngõ phía Tây Nhà Bè, khi thông xe sẽ góp phần tăng kết nối giao thông liên quận, huyện", ông Trí nói.

Cũng ở khu Nam, nhánh hầm chui HC2 (hướng quận 7 đi Bình Chánh) tại nút giao tuyến Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh sắp thông xe sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho "điểm đen" ùn tắc này. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cuối tháng 8 nhánh hầm này thi công xong. Các hạng mục phụ trợ sẽ được hoàn thiện và thông xe trước ngày 15/9.

Ví trí 4 công trình sắp thông xe trong tháng 9. (Đồ hoạ: Đăng Hiếu).

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ khởi công tháng 4/2020, tổng vốn 830 tỷ đồng (giai đoạn một). Công trình gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, ba làn xe, vận tốc 60 km/h; phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ.

Theo chủ đầu tư, nhánh hầm HC2 khi hoàn thành ngoài giảm áp lực giao thông sẽ tạo thuận lợi cho thi công nhánh HC1 ở hướng ngược lại, từ Bình Chánh về quận 7. Theo kế hoạch, nhánh hầm này và hạng mục liên quan cũng sẽ hoàn thành cuối năm nay.

Tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hầm chui qua nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, dự kiến thông xe cuối tháng 8 kỳ vọng giảm kẹt xe cho khu vực. Đây là một trong những gói thầu chính thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, đang được TP HCM triển khai với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.

Hầm dài khoảng 400 m, trong đó có 40 m là hầm kín chui dưới đường Trần Quốc Hoàn. Do vị trí hầm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất nên trước đó, hai cầu vượt được xây tạm cho xe di chuyển trong lúc thi công hầm kín. Đến nay, các cầu tạm đã được dỡ bỏ, hoàn trả lại mặt bằng.

Công trường hầm chui ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, đầu tháng 8/2024. (Ảnh: Gia Minh).

Hầm chui đưa vào khai thác sẽ mở thêm hướng đi mới từ đường Phan Thúc Duyện ra Cộng Hoà, hạn chế xe dồn đến vòng xoay Lăng Cha Cả, giúp giảm ùn tắc cho khu vực Tân Sơn Nhất.

Khởi công cuối năm 2022, dự án đường nối Trần Quốc Hòan - Cộng Hòa dài 4 km, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, điểm cuối tại nơi giao giữa các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp ga T3 Tân Sơn Nhất (đang xây dựng), mở thêm hướng tiếp cận sân bay và phá thế độc đạo ở cổng vào trên đường Trường Sơn.

Ngoài các công trình trên, cuối năm nay một số dự án trọng điểm khác ở TP HCM cũng dự kiến đưa vào khai thác như: mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, Tên Lửa, cầu Bà Hom (quận Bình Tân); đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)...

chọn
[Photostory] Dự án bất động sản đầu tay của Đạt Phương
Khu đô thị Võng Nhi (Casamia Hội An) là một trong 5 dự án đối ứng của Đạt Phương tại Quảng Nam nhờ tham gia xây dựng cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại theo hình thức BT. Casamia Hội An cũng chính là dự án bất động sản đầu tiên của Đạt Phương khi lấn sân sang lĩnh vực này.