4 điểm nổi bật về quy hoạch TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Cùng với tiến trình lên thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Quảng Nam, TP Tam Kỳ dự kiến sẽ được sáp nhập với huyện Thăng Bình giai đoạn 2026 - 2030. Cùng điểm qua những thông tin quy hoạch nổi bật tại TP Tam Kỳ.

Tam Kỳ là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Đây là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam. Nằm cách TP Đà Nẵng 60 km về phía bắc và cách TP HCM 900 km về phía nam.

Thành phố có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường An Mỹ, An Phú, An Sơn, An Xuân, Hòa Hương, Hòa Thuận, Phước Hòa, Tân Thạnh, Trường Xuân và 4 xã Tam Ngọc, Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng.

 Một góc TP Tam Kỳ. (Ảnh: Báo Công thương).

Sáp nhập TP Tam Kỳ với huyện Núi Thành

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với tiến trình lên thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Nam dự kiến sáp nhập TP Tam Kỳ - huyện Núi Thành giai đoạn 2026 - 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.

Theo Quy hoạch chung TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Tam Kỳ được quy hoạch là đô thị trung tâm của cụm động lực phía nam, hỗ trợ dịch vụ cho khu kinh tế mở Chu Lai, là đầu mối liên kết phát triển hành lang phía nam của tỉnh Quảng Nam.

Thành phố sẽ có 4 phân vùng phát triển bao gồm phân vùng I có ranh giới từ đường sắt Bắc - Nam đến hết ranh giới phía tây thành phố, với diện tích khoảng 1.733 ha.

Về định hướng phát triển, phân vùng này phát triển công nghiệp và nông nghiệp sinh thái gắn với quy hoạch phát triển du lịch hồ Phú Ninh.

Phân vùng II có ranh giới từ phía Tây sông Kỳ Phú đến giáp ranh giới phân vùng I, diện tích khoảng 1.986 ha, chiếm 21,4% tổng diện tích đất tự nhiên. Định hướng phát triển vùng đô thị hiện hữu với các khu trung tâm hành chính, chính trị; trung tâm thương mại; văn hóa, giáo dục của tỉnh.

Phân vùng III có ranh giới từ phía Tây hồ Sông Đầm và Kênh Đông đến giáp ranh giới phân vùng II; - Diện tích khoảng 2.711,63 ha, bằng 29,2% diện tích đất tự nhiên.

Định hướng phát triển khu đô thị mới, trong đó gồm các trung tâm hành chính - dịch vụ của Khu kinh tế mở Chu Lai; trung tâm hành chính mới của thành phố; khu công nghiệp áp dụng công nghệ cao Tam Thăng; khu cảnh quan, văn hóa lịch sử hồ Sông Đầm; và các điểm dân cư truyền thống gắn với không gian sản xuất nông nghiệp. 

Phân vùng IV có ranh giới từ ranh giới phân vùng III đến ranh giới phía đông của thành phố, với diện tích đạt khoảng 2.851 ha, bằng 30,7% đất tự nhiên. Định hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế sông, biển và không gian sản xuất nông nghiệp.

TP Tam Kỳ hiện có diện tích là 100 km2, dân số theo cập nhất mới nhất là 122.374 người, trong đó, dân số thành thị có 91.450 người chiếm 75% và dân số nông thôn có 30.924 người chiếm 25%. Huyện Núi Thành có diện tích 556 km2, dân số theo cập nhất mới nhất là 160.414 người.

Quảng Nam sẽ sáp nhập TP Tam Kỳ - huyện Núi Thành. (Ảnh: Báo Quảng Nam).

Nằm trên hành lang kinh tế ven biển

Theo Quy hoạch, Tam Kỳ nằm trên vùng quy hoạch phía đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển, đây là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh.

Thành phố cũng nằm trên cụm động lực Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh, kết nối các không gian kinh tế của ba đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.

Bên cạnh đó, địa phương này còn nằm trên hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển, tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.

Sau giai đoạn sáp nhập với huyện Núi Thành, thành phố cũng sẽ nằm trên hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, đây là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, Quảng Nam có tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa bàn, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài hơn 140 km, đi qua địa phận ba địa phương gồm TP Đà Nẵng (7,9 km), tỉnh Quảng Nam (91,2 km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1 km). Trong đó, đoạn cao tốc này đi qua địa bàn TP Tam Kỳ có chiều dài khoảng 2 km.

Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại miền Trung, thuộc hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, một phần của dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuyến cao tốc này được khánh thành và đưa vào sử dụng hồi năm 2018.

 Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Tỉnh Quảng Nam hiện cũng đang nghiên cứu dự án mở rộng đường QL 1A đoạn giáp TP Tam Kỳ đến nút giao đường ĐT615 mới, dự án này sẽ xây dựng đường gom dọc hai bên đường QL 1A đoạn giáp TP Tam Kỳ đến nút giao đường ĐT 615 mới.

Cùng với đó, dự án sẽ mở rộng ba cầu hiện trạng bao gồm cầu Ông Hiền, cầu Ông Trang 1, cầu Ông Trang 2, đảm bảo khổ cầu rộng 46,5 m. Tổng mức đầu tư của dự án này là 208 tỷ đồng.

Cùng với đó, theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, một số dự án nằm trên địa bàn TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành bao gồm mở rộng, chỉnh tuyến ĐT 613B theo đường Hành lang biển; hoàn thiện tuyến ĐT 617; kết nối và mở rộng ĐT 617B; mở rông, nâng cấp ĐT 618; mở rông, nâng cấp ĐT 620.

Ngoài các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành còn có tuyến đường sắt đô thị Chu Lai - Đà Nẵng, tuyến đường sắt đi qua các địa phương bao gồm Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ.

Bên cạnh hệ thống hạ tầng giao thông, loạt dự án bất động sản tại TP Tam Kỳ cũng sẽ được tỉnh Quảng Nam phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm trung tâm thương mại khu đô thị Nam Tam Phú - Tecco; khu thương mại - dịch vụ tổng hợp; khu thương mại dịch vụ chất lượng cao; trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế. 

Có sân bay quốc tế Chu Lai

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 10 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với diện tích 2.007 ha, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 15.968 tỷ đồng.

Giai đoạn đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 30 triệu hành khách/năm.

Cũng trong giai đoạn này, chi phí đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo quy hoạch khoảng 37.950 tỷ đồng.